Sớm Xuân thơ giữa lòng

SỚM XUÂN THƠ GIỮA LÒNG
Hoàng Kim

Sớm xuân mưa xuân mỏng
Trời đất lắng yêu thương.
Hoa Bình Minh ghé cửa.
Vườn xuân đẹp lạ thường.

An nhiên và tỉnh thức
Minh triết với tận tâm
Thung dung cùng tháng năm
Hạnh phúc đang nhú mầm

Thơ cũ thương xuân hiểu
Ngày mới yêu lộc xuân.

NGÀY MỚI

Mạnh Hạo Nhiên
(bản dịch Hoàng Kim)

Ban mai chợt tỉnh giấc,
Nghe đầy tiếng chim kêu.
Đêm qua mây mưa thế,
Hoa xuân rụng ít nhiều?

Mạnh Hạo Nhiên (689 – 740) là nhà thơ người Tương Dương, Tương Châu, nay thuộc tỉnh Hồ Bắc ,Trung Quốc thời nhà Đường, thuộc thế hệ đàn anh của Lí Bạch. Ông là người nhân cách lỗi lạc, yêu thiên nhiên, phúc hậu đức độ, học vấn tài năng trác tuyệt, giỏi thơ văn, nhưng chán ghét cảnh quan trường nên ẩn cư vui với thiên nhiên, sông núi quê hương , đặc biệt là Long Môn, Nam San và Lumen Sơn. Sự nghiệp văn chương của ông sừng sững như núi cao với hai trăm sáu mươi bài thơ, phần lớn là những bài thơ sơn thuỷ tuyệt bút . Thơ năm chữ của Mạnh Hạo Nhiên luật lệ nghiêm cách, phóng khoáng, hùng tráng, rất nổi tiếng. Bài Xuân hiểu và Lâm Động Đình được nhiều người truyền tụng. Lí Bạch rất hâm mộ Mạnh Hạo Nhiên và có thơ tặng ông:

Tặng Mạnh Hạo Nhiên

Lý Bạch

Ta mến chàng họ Mạnh,
Phong lưu dậy tiếng đồn
Tuổi xanh khinh mũ miện
Đầu bạc ngủ mây cồn
Dưới trăng nghiêng ngửa chén
Bên hoa mê mẩn hồn
Hương bay thầm đón nhận
Không với tới đầu non

Trang thơ Hoàng Nguyên ChươngThi Viện hiện lưu dấu thơ ông.

春 曉
XUÂN  HIỂU

春   眠   不   覺   曉,
Xuân miên bất giác hiểu.
處   處   聞   啼   鳥。
Xứ xứ văn đề điểu
夜  來   風   雨   聲,
Dạ lai phong vũ thinh.
花  落   知   多   少?
Hoa lạc tri đa thiểu

Dịch nghĩa:
SỚM XUÂN
(Đang nằm trong) giấc ngủ mùa xuân, không biết trời đã sáng.
Khắp nơi nơi nghe tiếng chim kêu (rộn rã).
Đêm qua có tiếng gió mưa.
Không biết hoa rụng nhiều hay ít ?.
Hoàng Nguyên Chương dịch

Dịch thơ

Giấc xuân trời sáng không hay,
Chim kêu ríu rít từng bầy khắp nơi.
Đêm qua mưa gió tơi bời
Biết rằng hoa cũng có rơi ít nhiều.

(Bản dịch Trần Trọng Kim)

SỚM XUÂN
Giấc ngủ mùa xuân, không biết sáng.
Khắp nơi rộn rã tiếng chim kêu.
Đêm qua sầm sập trời mưa gió
Không biết hoa bay rụng ít nhiều

(bản dịch Hoàng Nguyên Chương).

BUỔI SÁNG MÙA XUÂN
Giấc xuân, sáng chẳng biết;
Khắp nơi chim ríu rít;
Đêm nghe tiếng gió mưa;
Hoa rụng nhiều hay ít ?

(Bản dịch Tương Như)

SỚM XUÂN
Giấc xuân nào biết hừng đông.
Tỉnh ra chim đã véo von khắp trời,
Đêm qua mưa gió bời bời,
Ngoài kia nào rõ hoa rơi ít nhiều!

(Bản dịch của Ngô Văn Phú)

BUỔI SÁNG MÙA XUÂN
Đêm xuân ngủ sáng chẳng hay,
Bên ngoài chim đã hót đầy nơi nơi.
Đêm nghe mưa gió tơi bời,
Chẳng hay hoa rụng hoa rơi ít nhiều?

(Bản dịch của Hoàng Giáp Tôn)

“Xuân hiểu” (Sớm xuân) của Mạnh Hạo Nhiên nói về giấc ngủ mùa xuân (xuân miên) thung dung, an nhiên, tự tai cho đến khi trời chợt sáng (bất giác hiểu?). “Xuân hiểu” không đơn thuần chỉ là mùa xuân mà còn chỉ ngày mới,  quy luật vĩnh cữu của trời đất, khoảnh khắc huyền diệu của vũ trụ, thời điểm chuyển tiếp từ đêm sang ngày, từ âm sang dương, từ tĩnh sang động, từ tối đến sáng. Đó là thời khắc ban mai tuyệt diệu của tạo hóa, đất trời và con người hòa chung làm một, là thời khắc giao hoà tuyệt vời được thể hiện thanh thoát lạ lùng.

Điều đặc sắc của tác phẩm “Xuân hiểu” là đã dùng chữ xuân và chữ hiểu. Chữ xuân thì dễ thấy để chỉ sự tươi trẻ, khởi đầu, triết lý sống lạc quan. Chữ  hiểu “giác” (覺) có nghĩa là hiểu mà không dùng chữ “tri” (知) có nghĩa là biết để chỉ sự hiểu biết tận cùng chân tính của sự vật. Tác giả đã dùng chữ “hiểu” (曉) để chỉ về ban mai mà không dùng các chữ khác như: đán (旦) , tảo (早) hạo (暭), thịnh (晟), thần (晨), thự (曙), hi (晞) v.v.. Bởi chữ hiểu vừa có nghĩa là hiểu biết , lại vừa có nghĩa chỉ về buổi sớm,  ban mai, ngày mới, cái khoảnh khắc huyền diệu của vũ trụ.

Nhà Phật đã dùng chữ “giác” (覺) này trong “giác ngộ”, “chính giác” để chỉ  những điều thấu hiểu đã đạt ngộ đến đích của thiền tính. Khoa học giúp ta tri thức, sự biết , Phật học là minh sư chỉ ra sự đạt ngộ, giác ngộ này . Nhà bác học Anhstanh, cha đẻ của Thuyết tương đối, nhận định: “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học” chính là nói trên ý nghĩa đó.

Tôi thích lời bình của Hoàng Nguyên Chương về thơ Mạnh Hạo Nhiên: “Sau cái tĩnh lặng của giấc ngủ là cái động, thức giấc của con người, mặt trời và sự sống. Ta thấy sự sống tưng bừng của vũ trụ “xứ xứ” (khắp nơi) rộn tiếng chim. Chữ “văn” ở đây cho ta xác định được cái tiểu vũ trụ của tác giả và chính tác giả là chủ thể của con người trung tâm đang nhìn ra khắp chốn (xứ xứ) của đại vũ trụ để bắt nguồn giao cảm từ ý nghĩa vạn vật đều có đủ trong ta (vạn vật giai bị ư ngã) hoặc vạn vật với ta là một (vạn vật dữ ngã vi nhất) hay nói khác hơn đó là vạn vật đã đồng nhất với cái ngã. Hình tượng chim (điểu) cũng chỉ là một thực thể bé nhỏ và âm thanh kêu, hót (đề) cũng chỉ là “dữ cộng tương sinh” nhưng lại là đại biểu cho tất cả mọi sinh vật làm biểu tượng cho cả sự sống muôn loài vừa trổi dậy. Như thế mỗi thực thể bé nhỏ ở đây không chỉ là mỗi tiểu vũ trụ mà đã hình thành biểu trưng cho cả một đại vũ trụ.”  …Con người  hiện tại tiếp tục suy tư chiêm nghiệm để tự hỏi: Dạ lai phong vũ thinh (Đêm qua có tiếng gió mưa). Hình ảnh gió mưa chính là nguyên nhân đưa đến hiện trạng của ngày mới. Đóa hoa  là biểu tượng của sự sống, của nguồn sinh mệnh trong cõi đời. Đó là những thực thể bé nhỏ nhưng lại là những tiểu vũ trụ như lời Đỗ Phủ: “Nhất phiến hoa phi giảm khước xuân” (một cánh hoa rơi làm giảm đi vẻ đẹp của xuân) nhưng ý tưởng lại còn đi xa hơn thế nữa. Bởi vì hình thức mỗi cánh hoa còn lại trên cành hay rụng đi là một nỗi băn khoăn về lẽ tồn tại hay không tồn tại. Đó là sự thao thức về đời người và thân phận con người. Câu thơ “Hoa lạc tri đa thiểu” (không biết hoa rụng nhiều hay ít?)  là câu thơ tuyệt bút đã làm bài thơ bừng tỏa. … Đây cũng là phong cách tiêu biểu của Đường thi, phong cách đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật và mỗi chữ mỗi lời là một viên ngọc...”

Ngày mới là ngày xuân

Noi theo tứ thơ khoáng đạt “Chim lượn trăm vòng” của Chế Lan Viên:  “Tôi yêu quá! cuộc đời như con đẻ/ Như đêm xuân người vợ trẻ yêu chồng…/ Cánh thơ tôi thoát khỏi phòng nhỏ bé? Lượn trăm vòng trên Tổ quốc mênh mông”: Tôi đọc và tâm đắc thơ “Xuân hiểu” của Mạnh Hạo Nhiên, nay thử tìm lối diễn đạt mới cho tuyệt phẩm này. “Xuân hiểu” là “Ngày mới”; “Ban mai chợt tỉnh giấc / Nghe đầy tiếng chim kêu/ Đêm qua mây mưa thế/ Hoa xuân rụng ít nhiều?”.

Ngày mới là ngày xuân. Mây mưa vừa tục vừa thanh như cuộc đời này. Hoa xuân rụng nhiều hay ít là sự thao thức về “hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi”, đời người và thân phận con người.

Hoàng Kim

CNM365,TÌNH YÊU CUỘC SỐNG
ngày mới nhất bấm vào đây   cập nhật mỗi ngày

Video yêu thich
Mùa xuân đầu tiên (Văn Cao) -Thanh Thúy

Ban Mai; Chỉ tình yêu ở lại
KimYouTube

Trở về trang chính
Hoàng Kim Long, Ngọc Phương Nam, Thung dung, Dạy và Học, Việt Nam Học, Cây Lương thực Việt Nam, CNM365 Tình yêu Cuộc sống; Kim on LinkedIn, Kim on Facebook, Kim on Twitter