Trần Văn Trà bóng hạc

TRẦN VĂN TRÀ BÓNG HẠC
Hoàng Kim


Thượng tướng Trần Văn Trà (1919- 1996) trở thành bóng hạc ngày 20 tháng 4 năm 1996 “Ra đi hai bàn tay trắng. Trở về một dải giang san. “Trăng xưa, hạc cũ”, dòng sông lặng. Mây nước yên bình, thiên mã thăng”. Thượng tướng Trần Văn Trà đã viết về đại tướng Võ Nguyên Giáp thật minh triết và thật ám ảnh: “phải thật công khai, thật công phu, thật công bằng và thật công tâm khi nghiên cứu về Võ Nguyên Giáp”.“Suốt hai cuộc kháng chiến, tôi chưa hề thầy Bí thư Quân ủy Trung ương kiêm Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp mắc một sai lầm nào về chiến lược và chiến thuật quân sự; tôi chỉ thấy Anh Văn đi những nước cờ bậc thầy để vây hãm và tiến công quân địch”. Đó thật sự là một tổng kết rất sâu sắc của một danh tướng Việt Nam đối với TổngTư lệnh Võ Nguyên Giáp. Trần Văn Trà trăng xưa hạc cũ, là danh tướng tài năng gắn bó lâu dài nhất, bền bỉ nhất và xuất sắc nhất trong các vị tướng chiến trường miền Nam, mà tôi ngưỡng mộ; xem tiếp https://hoangkimlong.wordpress.com/category/tran-van-tra-bong-hac/

Trần Văn Trà danh tướng Việt Nam

Thượng tướng Trần Văn Trà tên thật là Nguyễn Chấn còn có bí danh là Tư Chi, Tư Nguyễn, Ba Trà, sinh năm1919 tại xã Tịnh Long, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, mất ngày 20 tháng 4 năm 1996 tại thành phố Hồ Chí Minh, là danh tướng Việt Nam, tư lệnh chiến trường chính Nam Bộ trong chiến tranh Việt Nam (1955–1975) là giai đoạn thứ hai và là giai đoạn khốc liệt nhất của Chiến tranh trên chiến trường Đông Dương (1945–1979).

Ông xuất thân trong một gia đình làm nghề nông, thời trẻ học tiểu học tại Quảng Ngãi, năm 1936, ông tham gia Đoàn Thanh niên Dân chủ Huế khi còn đang học tại trường Kỹ nghệ thực hành Huế; năm 1938 gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông từng bị thực dân Pháp bắt giam hai lần. Ông giữ chức Ủy viên Kỳ bộ Việt Minh Nam Bộ từ sau Cách mạng tháng Tám, . Ông tham gia công tác quân sự, khi chiến tranh Đông Dương nổ ra tại Nam Bộ, giữ chức Chi đội trưởng (tương đương trung đoàn trưởng), Chi đội 14 Khu trưởng Khu 8, xứ ủy viên Nam Bộ (1946-1948); Tư lệnh kiêm Chính ủy Khu Sài Gòn – Chợ Lớn; Tư lệnh Khu 7 (1949-1950); Phó Tư lệnh Nam Bộ, Tư lệnh Phân khu Miền Đông Nam Bộ (1951- 1954). Năm 1955, ông tập kết ra Bắc, giữ chức Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam (1955-1962), Phó Chủ nhiệm Tổng cục Quân huấn (1958). Ông được phong quân hàm Trung tướng năm 1959,  Giám đốc Học viện quân chính và Chánh án Tòa án quân sự Trung ương (1961). Ông được cử làm Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam (1963-1967 và 1973-1975), Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam (1968-1972), Phó Bí thư Quân ủy Quân giải phóng Miền Nam. Sau Hiệp định Paris 1973, ông làm Trưởng đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại Ban Liên hiệp đình chiến bốn bên ở Sài Gòn. Ông được phong quân hàm Thượng tướng năm 1974. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ông giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn – Gia Định, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7. Ông là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (dự khuyết khóa 3, chính thức khóa 4).  Được thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất, hạng ba, Huân chương Chiến thắng hạng nhất.Ông giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 1978 đến năm 1982.

Năm 1982, ông cho in cuốn Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm, trong đó có ghi những nhận định chủ quan của nhiều lãnh đạo Đảng Lao động, khi đã đánh giá quá cao khả năng quân sự của mình và đánh giá quá thấp khả năng của quân đội Mỹ và Việt Nam Cộng hòa trước và trong dịp Tổng tấn công Tết Mậu Thân. Sách mới in đến tập 5 thì bị thu hồi do quan điểm không được coi là chính thống, nên các tập sau không được xuất bản. Ông làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam từ năm 1992. Những trước tác của Trần Văn Trà hiện có: Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm (gồm nhiều tập, mới in tập 5 thì bị thu hồi do quan điểm bị coi là không chính thống, nên các tập sau không được xuất bản) Gởi người đang sống (1996) Mùa thu lịch sử (1996) Cảm nhận về xuân Mậu Thân (1968) (1998)

Ông lập gia đình với tiến sĩ sinh hóa nguyên Phó Giám đốc Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Thoa, con gái luật sư Lê Đình Chi (1912-1949), Trưởng ban Quân pháp Nam Bộ. Sau khi nghỉ hưu, ông viết hồi ký và tham gia nhiều hoạt động xã hội.

Ông qua đời ngày 20 tháng 4 năm 1996 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngôi mộ Thượng tướng Trần Văn Trà có khắc thanh gươm Bác Hồ tín cẩn trao cho ông (10/1948, khi ông đang là trưởng đoàn bảo vệ tháp tùng các cán bộ Miền Nam ra Miền Bắc thăm Bác Hồ): – “Bác trao cho chú thanh gươm quý giá này, đưa về cho đồng bào Nam Bộ để diệt thù. Chú báo cáo với đồng bào rằng, trong lòng Bác, lòng Đảng lúc nào cũng ở bên cạnh đồng bào. Chúng ta đồng lòng vì nước, nhất định chúng ta sẽ thắng!”. Bài thơ của ông “Ra đi hai bàn tay trắng/ Trở về một dải giang san/ “Trăng xưa, hạc cũ”, dòng sông lặng/ Mây nước yên bình, thiên mã thăng” được khắc trên bệ đá dưới chân con ngựa bạch tạc bằng đá trắng nguyên khối đang trong tư thế chuẩn bị bay lên…

Tên ông được đặt cho một con phố ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh, và một con đường chính khác ở khu dân cư Hưng Phú, quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ từ cuối năm 2015.

Mây nước yên bình, thiên mã thăng

Lê Văn có bài viết: “Võ Nguyên Giáp trong mắt Trần Văn Trà” tôi thật đồng cảm và đã trích dẫn nguyên văn để thỉnh thoảng đọc lại: “Báo chí cho hay, đến nay ở Việt Nam và trên thế giới đã có tới 120 cuốn sách, không kể vô số những bài báo, bài nghiên cứu về Võ Nguyên Giáp. Có một nghịch lý, hình như những sự kiện lịch sử, những yếu nhân lịch sử của Việt Nam lại được các tác giả nước ngoài nghiên cứu nhiều hơn, sâu hơn, đầy đủ hơn là các tác giả trong nước.  Vì sao vậy? Ta mà chưa hiểu hết ta. Và ta thường hay tự ca ngợi mình: “Ôi ta là ta mà ta vẫn cứ mê ta” (Chế Lan Viên).

Nhưng nghiên cứu về Võ Nguyên Giáp thì rõ ràng chưa đủ, càng không thể đầy đủ nếu chỉ căn cứ vào sách báo trong nước. Như nhiều người khác, tôi cũng có một số cuốn sách về Võ Nguyên Giáp, tỷ như Võ Nguyên Giáp của Geogres Boudarel, nhà sử học Pháp; Chiến thắng bằng mọi giá của Celcil B.Currey, một sử gia quân sự Hoa Kỳ; Võ Nguyên Giáp – một sự đánh giá của Peter MacDonald, sử gia quân sự người Anh và tất nhiên – còn nhiều cuốn sách khác của các tác giả trong nước.

Sách của các tác giả nước ngoài nhìn chung khách quan, có những phân tích, đánh giá rất sâu sắc con người, tài năng và sự nghiệp của tướng Giáp. Họ lưu ý đến nhiều vấn đề, nhiều chi tiết có khi rất nhỏ nhưng lại có ý nghĩa lớn. Họ quan tâm đủ mọi thứ. Tuy nhiên, chưa thể coi các cuốn sách ấy đã là đầy đủ, hoàn hảo về Võ Nguyên Giáp. Chắc rằng thời gian tới sẽ có rất nhiều công trình nghiên cứu về Võ Nguyên Giáp – nhất là khi ông đã về cõi vĩnh hằng.

Mong ước nghiên cứu đầy đủ, khách quan về Võ Nguyên Giáp là mong ước cháy bỏng của tướng Trần Văn Trà. Ông là một danh tướng cùng thời với Võ Nguyên Giáp, là cấp dưới của ông Giáp. Trần Văn Trà là Tư lệnh B2, địa bàn chiến lược quan trọng nhất trong cuộc chiến với người Mỹ. Sau khi Hiệp định Pari được ký kết, Trần Văn Trà được cử làm Trưởng đoàn quân sự của Chính phủ Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Ban Liêp hiệp quân sự bốn bên, Sài Gòn. Sau ngày 30.4.1975, có một thời gian ông là Chủ tịch Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn – Gia Định. Ba ông “họ Trần”: Trần Văn Giàu, Trần Văn Trà, Trần Bạch Đằng là ba nhân vật lừng danh một thời vang bóng tại Sài Gòn cũng như miền đất Nam Bộ.

Tác phẩm nổi tiếng của Trần Văn Trà: Những chặng đường lịch sử của B2 thành đồng, mới xuất bản được Tập 1: Hòa hay chiếntranh và Tập 5: Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm. Nghe nói, Lê Đức Thọ phán, cuốn sách ấy sai từ đầu đến cuối, sách bị thu hồi nhưng nay đã được in lại.

Tháng 3.1992, tướng Trà đồng ý trả lời phỏng vấn của Nhật Hoa Khanh – tác giả Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng, về nhân vật lịch sử Võ Nguyên Giáp. Nhật Hoa Khanh – nhà nghiên cứu lịch sử VN hiện đại rất đặc sắc, đã công bố nhiều bài nghiên cứu rất có giá trị, hấp dẫn.

Bài trả lời phỏng vấn của Trần Văn Trà về Võ Nguyên Giáp có nhiều luận điểm cực kỳ sâu sắc, gợi lên cho giới nghiên cứu nhiều suy nghĩ. Võ Nguyên Giáp hiện lên trong mắt Trần Văn Trà đầy tài năng và nhân cách.

Nghiên cứu về Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Trà cho rằng “phải thật công khai, thật công phu, thật công bằng và thật công tâm” – bốn chữ “thật” rất đắt giá trong cách diễn đạt. Đã nghiên cứu về Võ Nguyên Giáp là phải “thật công khai”: công khai tư liệu, công khai quan điểm, công khai sự kiện; công khai trong nước, ngoài nước. “Thật công phu” vì với một trí tuệ bậc thầy, siêu việt như Võ Nguyên Giáp, nếu nghiên cứu một cách hời hợt, bề ngoài, không đi sâu vào bản chất, vào quy luật, không hiểu được những nước cờ quân sự thiên tài của ông, không rút ra được các bài học thì làm sao thuyết phục?

“Thật công bằng” nghe qua tưởng đơn giản nhưng khó làm sao! Ông Trần Bạch Đằng từng phát biểu: “Tất cả chúng ta đều có thắc mắc giống nhau: Kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điên Biên Phủ mà không nhắc đến tên đồng chí Võ Nguyên Giáp. Lịch sử là lịch sử, nếu thiếu chân thật, sẽ ảnh hưởng đến đạo lý”. Rằng Điện Biên Phủ thắng lợi là nhờ cố vấn TQ. “Họ” không biết rằng, nếu nghe lời cố vấn TQ tấn công theo kiểu “biển người”, thất bại là chắc chắn và cuộc kháng chiến đã phải lùi lại mười năm. “Họ” còn nói, tổng tấn công năm 1975, đồng chí (…) là Bí thư Quân ủy Trung ương chứ không phải ông Giáp. Rồi cuốn Đại thắng mùa xuân của Văn Tiến Dũng nghe nói bị độc giả phản ứng, phải sửa tới 30 chỗ. Lịch sử rất công bằng. Cho nên, “thật công bằng” đi liền với “thật công tâm”.

Trần Văn Trà nhận định: “Suốt hai cuộc kháng chiến, tôi chưa hề thầy Bí thư Quân ủy Trung ương kiêm Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp mắc một sai lầm nào về chiến lược và chiến thuật quân sự; tôi chỉ thấy Anh Văn đi những nước cờ bậc thầy để vây hãm và tiến công quân địch”. Đó phải chăng là sự tổng kết rất sâu sắc của một danh tướng đối với Võ Nguyên Giáp.

Trần Văn Trà chỉ rõ, Võ Nguyên Giáp “là một Tổng tư lệnh biết đau với từng viết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu mỗi chiến binh”.

Đó cũng là quan điểm cốt tử trong tư tưởng quân sự Võ Nguyên Giáp: giành thắng lợi cao nhất đi đôi với tổn thất thấp nhất. Ông nói, phải sử dụng cái đầu của người lính chứ không phải thân thể họ. Nếu ông Giáp không ra lệnh hoãn cuộc tấn công, hàng loạt tướng lĩnh, chỉ huy ưu tú và bộ đội đã hy sinh ở Điện Biên. Cho nên, những tướng lĩnh và người lính coi ơn ấy là ơn cứu mạng vậy. Nếu để ông toàn quyền trong các chiến dịch Mậu Thân 68, Xuân hè 72 thì tình hình chắc đã khác. Trần Văn Trà nêu rõ: “nếu thực hiện cách đánh thận trọng hơn theo quan điểm của Anh Văn thì chắc chắn số lượng thương binh và tử sỹ sẽ ít hơn, số lượng chiến sỹ còn sống và còn khỏe sẽ nhiều hơn, chẳng những thế, chiến thắng sẽ lớn hơn nữa”.

Trần Văn Trà cũng nhận xét rất chính xác, rằng Võ Nguyên Giáp là con người bao dung, độ lượng. Đối với những người hiểu lầm hoặc cố tình hiểu lầm, ghen ghét, đố kỵ tài năng…Võ Nguyên Giáp vẫn tiếp tục cư xử một cách nhã nhặn và bình thản. Ông chỉ nói về cái tốt, cái đúng của đồng đội, chưa bao giờ thanh minh cho bản thân mình một vấn đề gì.

Một vấn đề rất lý thú nữa mà Trần Văn Trà nêu lên, đó là cách gọi Võ Nguyên Giáp như thế nào cho đúng nhất. Gọi “Đại tướng”không có gì sai nhưng không biểu hiện được vai trò đứng đầu toàn quân của Võ Nguyên Giáp và mối quan hệ rất khăng khít của ông đối với toàn quân. Nên gọi “Tổng tư lệnh” hoặc “Anh Văn”.

Gọi “Tổng tư lệnh” là cách gọi một cách trang trọng. Võ Nguyên Giáp là tư lệnh của các tư lệnh, chính ủy của các chính ủy. Ông đứng vững trên vị trí Tổng tư lệnh liên tục 30 năm, hạ đo ván 7 tướng lĩnh đứng đầu của Pháp và 3 tướng lĩnh đứng đầu của Hoa Kỳ, tài năng ấy thật phi thường, khó ai có thể so sánh. Cho nên, muốn gọi Võ Nguyên Giáp theo chức vị một cách trang trọng, “tôi cho rằng gọi Tổng tư lệnh đúng hơn cả” – tướng Trà kết luận.

Điều này hoàn toàn đúng. Càng đúng hơn vì bây giờ chúng ta thấy, VN có không ít Đại tướng, lại có cả Đại tướng chưa qua quân đội một ngày nào, nói chi đến chiến công. Ngày trước, ngay như Trần Văn Trà được phong Trung tướng năm 1959 và tới 15 năm sau ông mới được phong Thượng tướng.

Còn gọi Anh Văn là gọi một cách thân mật. Tất nhiên, không phải ai cũng có thể gọi Anh Văn, vì điều đó còn phụ thuộc vào tuổi tác, mối quan hệ công tác, quan hệ thân thuộc nữa. Gọi Anh Văn vừa nói lên vai trò Anh Cả của Võ Nguyên Giáp trong quân đội, vừa nói lên quan hệ vô cùng mật thiết của ông đối với toàn quân. Và chúng ta biết, Hồ Chí Minh thường gọi Võ Nguyên Giáp một cách trìu mến mà thâm thúy: chú Văn.

Chính vì tất cả những điều đó mà trong mắt Trần Văn Trà, Võ Nguyên Giáp giành được sự yêu mến gần như tuyệt đối của toàn quân, toàn dân. Đây là điều mà hẳn chúng ta ai cũng đồng ý và lấy làm tự hào.”

Tổng tiến công Mùa Xuân 1975: Đấu pháp chiến lược kết thúc chiến tranh có một không hai”. Nhiều tài liệu nghiên cứu và giãi mã từ hai phía đối với Chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Việt Nam, với những chuyên khảo nghiên cứu về Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Trà càng làm chúng ta thấu hiểu sâu sắc hơn.

Tôi trân trọng tích truyện Trần Văn Trà bóng hạc và giữ khoảng lặng tự đối thoại với chính mình, giữ lại viên ngọc quý tư liệu trong dòng chảy thao thiết của lịch sử dân tộc và nhân loại . Tướng Trần Văn Trà cùng tướng Lê Trọng Tấn là những danh tướng Việt Nam ngay sau đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tướng Trà với chiến dịch Phước Long, ra Bắc cùng chọn điểm quyết chiến Buôn Mê Thuột, mưu lược cô lập phòng tuyến Xuân Lộc, vượt đánh Dầu Giậy Trảng Bom. Tướng Trần Văn Trà làm trưởng đoàn đàm phán quân sự trong hội nghị bốn bên, ông có phong độ danh tướng với ứng biến tài năng xuất sắc Trăng xưa hạc cũ vằng vặc giữa trời như tấm gương soi.Thật thích được nghiên cứu và lắng đọng thấu hiểu..

Hoàng Kim

Bài viết mới trên TÌNH YÊU CUỘC SỐNG
CNM365, ngày mới nhất bấm vào đây cp nht mi ngày

Video yêu thích

KimYouTube

Trở về trang chính
Hoàng Kim  Ngọc Phương Nam  Thung dung  Dạy và học  Cây Lương thực  Dạy và Học  Tình yêu cuộc sống  Kim on LinkedIn  Kim on Facebook  KimTwitter

Advertisement