Hòn Bà sông Nha Trang

Hình ảnh này không có thuộc tính alt; tên tập tin này là nha-trang-va-yersin.jpg

HÒN BÀ SÔNG NHA TRANG
Hoàng Kim


Hòn Bà ở huyện Cam Lâm Khánh Hòa là vùng đất thiêng xứ trầm hương . Sông Nha Trang còn gọi là sông Cù sông chính của tỉnh Khánh Hòa, dài trên 60 km, đầu nguồn hòa nước của ba chi lưu để thành sông Cái, hòa tiếp nước sông Khế để thành sông Cầu, hòa tiếp nước sông Chò ở Khánh Xuân và sông Suối Dầu ở thôn Trường Lạc để thành sông Nha Trang đổ ra cửa lớn biển Nha Trang. Sông Nha Trang do tiếng thổ âm của người Chiêm Thành mà đọc trại ra. Tiếng đó là Ea Tran Yjatran. Ea hay Yja là nước là sông. Tran là lau lách. Gọi như vậy là vì xưa kia, hai bên sông lau lách mọc đầy. Sách Xứ Trầm Hương Quách Tấn đã viết như vậy.

Tỉnh Khánh Hòa luận về núi thì núi Đại Lãnh, núi Mẫu Tử, núi Tam Phong là đứng đầu nhưng núi Hòn Bà có vị thế đặc biệt Linh Sơn Thiên Y A Na Bà Chúa Ngọc; uận về sông thì sông Nha Trang là sông lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa và nhiều trầm tích sử thi. Biên khảo này tiếp nối các bài viết A Na bà chúa Ngọc; Nha Trang và A. Yersin; Chuyện ngậm ngãi tìm trầm nhằm mục đích tích lũy thông tin du lịch sinh thái nông nghiệp .

Rừng Việt Nam có lâm sản quý hiếm trâm hương kỳ nam. Đất phương Nam dường như các tỉnh có rừng đều có trầm hương, từ vùng Đông Bắc,Việt Bắc,Tây Bắc tới Nghệ An Quảng Bình đến núi Thiên Cấm Sơn An Giang, đến núi ven biển Hà Tiên,các thư tịch từ xưa đến nay đều nói tới lâm sản đạc biệt này, mà vùng lõi trầm hương, kỳ nam là Khánh Hòa Phú Yên, huyền thoại chúng tích nhiều hơn cả là ở hòn Bà. Người Khánh Hòa phần lớn ngto6n kính tín ngưỡng Thiên Y A Na.Bà Chúa Ngọc, coi lBà à hiện thân của Trầm Hương Kỳ Nam và là phúc thần phù hộ cho nhân dân sống được yên vui và no ấm.

Ba mươi năm trước, tôi được nghe những chuyện cảm động của bác Năm Hoàng A Yersin người Thầy lớn nông học và y tế Việt Nam đã lên tới đỉnh Hòn Bà nơi mờ xanh kia nhìn từ ngôi mộ bác sĩ Yersin (ảnh) . Chị Đinh Thị Dục, giám đốc Trung tâm Khuyến Nông Khánh Hòa thuở ấy cùng với những người trồng sắn KM94 và SM937-26 năm xưa tại nông trại trồng sắn mía đậu vùng ruộng bác Năm Hoàng Suối Dầu, đã kể cho chùng tôi nghe về điểm thí nghiệm trồng cây chữa bệnh sốt rét trên đỉnh Hòn Bà. Chuyện thật sự thắp lên trong tôi ngọn lửa dấn thân phúc hậu cho nghiệp nghề nông, cho nghiên cứu và giảng dạy những điều tâm huyết gần gũi với thiên nhiên và con người. Chính tại Suối Dầu, tôi đã đúc kết chuyện đời Nha Trang và A. Yersin hiến tặng bạn đọc https://hoangkimlong.wordpress.com/category/nha-trang-va-a-yersin/

Nay mời bạn đọc tiếp Hòn Bà và sông Nha Trang https://hoangkimlong.wordpress.com/category/hon-ba-song-nha-trang/

1

XỨ TRẦM HƯƠNG HUYỀN THOẠI

“Trong vùng núi thuộc quận Cam Lâm, có một ngọn cao trên dưới 1.500 thước, nhưng không mang tên Thượng như các ngọn núi cao khác ở chung quanh. Ðó là Hòn Bà (20)

HÒN BÀ

Tên chữ là Bích Sơn tức Núi Vách.

Ðó là do hình thể của núi mà đặt tên. Vì Hòn Bà là vị “nữ vương” trong đám quần sơn của vùng. Ðám quần sơn này lại nối kết thành một bức trường thành bàng bàng khúc khúc, chạy từ Bắc vào Nam. Hòn Bà đứng chính giữa, nổi bật lên trên tất cả các ngọn núi cao, trên đỉnh thường thường có mây hoặc mù bao trắng.

Bích Sơn là tên cả dãy núi mà Hòn Bà là đại biểu. Còn Hòn Bà là tên của người địa phương đặt ra do lòng tín ngưỡng.

Ở Ninh Hòa cũng có Hòn Bà. Nhưng núi Ninh Hòa gọi là Hòn Bà là vì trên núi có miếu thờ bà Thiên Y A Na. Còn ở Cam Lâm gọi là Hòn Bà là vì đó lành cung của bà Thiên Y vậy. Truyền rằng mỗi lần Bà giá lâm thì thấy một đạo hào quang dài như một cây lụa xổ bay xuống núi, rồi nghe ba tiếng sấm nổ vang rừng. Nhiều khi không thấy ánh sáng đáp xuống núi. Cũng không nghe tiếng sấm dậy, nhưng từ trong núi lại có ánh hào quang phát ra chói sáng hàng trăm dặm. Những lúc ấy biết rằng có Bà ngự nơi núi, người địa phương đốt hương đốt trầm làm lễ. Ngự giá thường qua lại những đêm trong gió mát.

Tiếng đồn như thế, nhưng từ đệ nhất thế chiến (1914 – 1918) trở về nước, không một người Trung Châu nào dám lên đến Hòn Bà để thưởng ngoạn và tìm cho biết thực hư. Bởi vì không có đường đi. Núi lại nhiều đá, lớp chồng chất lên nhau, lớp đứng sừng sững như vách, thêm cây cối rậm rạp, thú dữ đầy rừng. Xét thấy không có lợi gì cho bản thân, ai dại gì mà dấn thân vào nơi nguy hiểm.

Mãi năm 1914, vì cần nơi thí nghiệm giống quinquina, Bác sĩ Yersin và nhà vạn vật học Krempf mới tìm cách lên đến tột đỉnh.

Sau khi nhận thấy Hòn Bà thích hợp với giống quinquina (chỉ sống trên núi cao trên dưới 1.500 thước ở miền nhiệt đới), Bác sĩ bèn mở trại mở vườn thí nghiệm. Ngoài ra Bác sĩ lại còn đặt một phòng xem thiên văn và một trạm vô tuyến điện. Tất cả đều ở trên đầu núi cao trên dưới 1.500 thước so với mặt biển.

Lúc bấy giờ Hòn Bà hoàn toàn chìm sâu trong sương khói trong đá cây. Chỉ cách Nha Trang 50 cây số, cách sở Suối Dầu 30 cây số, nhưng đường liên lạc thật là thiên nan vạn nan. Ðể lên xuống được phần dễ dàng, Bác sĩ lo trổ một con đường nhỏ từ Suối Dầu đến chân núi, và từ chân núi lên tới đỉnh. Nhờ Giải thưởng của Viện Hàn Lâm Khoa học (Académie des Sciences) đã cấp đúng lúc và sức ủng hộ của người Thượng địa phương, Bác sĩ đã hoàn thành công tác trong năm 1917(21)

Sau đó Chánh phủ Pháp mưói mở rộng khúc đường từ Suối Dầu đến chân Hòn Bà. Xe ô tô qua lại được dễ dàng (nay là hương lộ số 4). Từ ấy người đến viếng Hòn Bà mỗi ngày mỗi thêm đông.

Nhưng đến chân Hòn Bà rồi còn phải leo bộ ngót sáu giờ đồng hồ nữa mới tới đỉnh. Ðường đi vất vả. Song đến nơi rồi thì thân tâm tự nhiên thấy khoan khoái. Vì khí hậu trong mát không kém Ðà Lạt, phong cảnh lại thanh lệ thâm u.

Không một mảy may trần cấu. Nóng không quá 26 độ. Lạnh không dưới sáu độ rưỡi.

Mưa rất thường. Cho nên cây cao rừng rậm. Phần nhiều là sồi (chêne), phong (érable) và tô hạp (liquidambar). Chỉ có một số ít tòng và bá. Nhưng cây nào cũng cao lớn hơn mọi thứ cây chung quanh. Và cây nào thân cũng nổi u nổi gân, cành cũng rắn rỏi khúc khuỷu. Hình thù trông rất cổ quái. Những bức tranh lão tùng của người đời Tống nhìn không khoái mục khoái tâm bằng. Chen cung đám cổ thụ, đá là đá! Lớp to lớp nhỏ, lớp đứng lớp nằm, chồng chất, ngổn ngang. Và tảng nào cũng đóng rêu xanh rêu xám.

Trên cành cây cổ thụ, phong lan bám đầy. Trong các khoảnh vườn ương và chung quanh trại của Bác sĩ Yersin, hoa hường cùng dâu tây (fraisier) trồng từng luống từng đám. Mùa xuân mùa hạ, lan nở hường nở, trăm hình nghìn sắc. Và mùi hoa theo gió trộn cùng mùi hương tô hạp, bay ngào ngạt khắp rừng sâu.

Tuy cây đá rậm rạp, Hòn Bà không có thú lớn. Voi, cọp, beo… không hề thấy bóng. Heo rừng chỉ đi ngang qua chớ không mấy khi dừng bước. Nai và sóc ở các thung lũng chung quanh rất nhiều, nhưng không mấy khi lui tới Hòn Bà. Ruồi mòng, sâu bọ cũng không có. Thêm một điểm nữa: Miền rừng núi Cam Ranh là những nơi “bào chế bệnh sốt rét” của tỉnh Khánh Hòa, nhưng ở Hòn Bà muỗi rất ít và tuyệt nhiên không có giống anophèle.

Trái lại Hòn Bà có rất nhiều chim và khỉ.

Thường thường trong rừng già chim chóc ít tụ tập. Nhưng ở đây nhiều phi thường! Nhiều đến nỗi có thể tin rằng số chim chỉ em số lá! Nhiều giống chim lạ không hề thấy nơi bình nguyên. Lại đủ cỡ đủ màu. Lớn nhất bằng bắp vế, nhỏ nhất bằng ngón tay cái, ngón tay út. Con thì xanh, con thì vàng, con thì xám, con thì nâu, con thì trắng tuyết, con thì rằn ri…, con thì như trái ớt chín, con thì như lá chuối non… Bay nhảy suốt ngày, tiếng kêu tiếng hót khắp nơi. Những con chim tí hon len lỏi trong những khóm hoa hường, trong những cụm phong lan, để tìm sâu, hút mật… thái độ hiền lành nhưng nhí nhảnh, trông hết sức dễ thương. Chim lớn phần nhiều không tích hoa bằng thích trái. Những dám dâu tây được chúng chiếu cố hết sức. Mùa trái chín chủ nhân ítkhi được hưởng thỏa thuê. Hột theo mỏ, theo phân của chúng, gieo vãi khắp nơi. Và nhờ thổ nghi, không cần săn sóc bón tưới, tới đâu cũng mọc dễ dàng và sanh hoa kết trái rất thạnh.

Còn khỉ thì từng đoàn từng đội! Mỗi buổi sáng, hễ mặt trời hé bóng là chúng thức dậy. Tiếng kêu chí chóe vang dội cả rừng. Rồi kéo nhau đi tìm miếng ăn. Ðến chiều kéo về, lố nhố lao nhao khắp cả cành cao cành thấp.

Cho nên cảnh Hòn Bà không đến nỗi cô liêu. Ðứng ở nơi sở thí nghiệm của Bác sĩ Yersin trông ra bốn mặt thì vọng cảnh bao la:

Phía đông, trên mặt biển màu thủy ngân, chân trời chạy dài từ mũi Varella đến mũi Padaran. Những ngọn núi ở phía Nam ở phía Bắc cùng những ngọn ở phía Ðông, tuôn lài lài màu lục xuống các thung lũng và xuống tận đồng bằng duyên hải mà hoa màu và cát trắng đã chi thành bàn cờ. Ban đêm dưới ánh trăng vằng vặc, sóng xanh của cây rừng nhịp nhàng theo sóng bạc của nước biển, mông lung phiếu diếu, trông nửa thực nửa hư.

Và tiết mùa thu mùa đông, nhiều khi vùng núi Cam Lâm chìm ngập trong biển mây trắng, chỉ có đỉnh Hòn Bà và đôi ba đỉnh nữa nổi lên trên mặt sóng chờn vờn (22).

Phong quang tuyệt mỹ.

Nhưng Hòn Bà được nổi danh không phải vì cảnh trí, vì khí hậu, vì sự nghiệp của Bác sĩ yersin, mà chính vì tương truyền bà Thiên Y A Na thường tới lui vậy.

Khánh Hòa còn nhiều ngọn núi có lắm kỳ nham quái thạch, lắm u cốc thanh tuyền… nhưng vì ở những nơi hẻo lánh xa xôi, khó nỗi tới lui thăm viếng, nên danh bị mai một, đời không nhắc nhở đến mà sách vở cũng không.”

*

SÔNG CÙ

Tức là sông Nha Trang. Ðại Nam Nhất Thống Chí chép là sông Phú Lộc.

Sông dài chừng 60 cây số, chảy qua hai quận Diên Khánh và Vĩnh Xương.

Sông có nhiều nguồn. Nguồn thì chính Tây chảy xuống, như nguồn Gia Lai, nguồn từ sông Máu (24). Nguồn từ Tây Bắc chảy vô, như nguồn Gia Toui. Nguồn thì Tây Nam chảy ra như nguồn Gia Lê, vân vân. Các nguồn hầu hết đều gặp nhau tại Thạch Trại, quận Diên Khánh. Hình giống như một cây quạt sè. Tại Thạch Trại nước các nguồn nhập lại, chảy về Ðông, thành con sông Cái, từ sông Cù, tức sông Nha Trang.

Sông Cái khúc thượng lưu, nước chảy rất mạnh, vì lòng ống bị núi chèn ép ở hai bên, đã hẹp lại dốc.

Từ Thạch Trại, sông Cái chạy quanh co chừng vài chục cây số thì đến Giang Ché. Ở đây sông Cái tiếp nhận nước sông Khế (25) từ vùng Du Hòa, phía Tây Nam chảy ra.

Xuống dưới Giang Ché chừng vài ba cây số thì tiếp nhánh thứ hai gọi là sông Giang từ vùng núi tỉnh Darlac, phía Tây Bắc chảy vào.

Ðến Sãi Me, cách khẩu sông Giang chừng ba bốn cây số, thì tiếp nhánh thứ ba từ vùng núi Hòn Bà quận Cam Lâm, chảy ra, gọi là Sông Cầu (26)

Từ Giang Ché trở xuống, nhờ ba nhánh sông nầy mà sông Cái có nhiều nước, và lòng sông mở rộng lần lần.

Và từ khẩu sông Cầu xuống chừng bảy tám cây số, thì tiếp nhánh thứ tư từ vùng núi Khánh Dương chảy vào. Nhánh nầy gọi là sông Chò, giao thủy tại Khánh Xuân, cuối Ðồng Trăng.

Bốn nhánh sông sắp xếp với nhau một cách lý thú. Vào sông Cái như chân bước, cứ một nhánh ở tả ngạn thì nhánh tiếp theo ở hữu ngạn, một nhánh ở hữu ngạn thì nhánh tiếp theo ở tả ngạn. Thành thử tuy có nhiều sông con, sông Cái không “mang tiếng thiên vị”, và những bạn lên nguồn tìm gỗ quý, nếu lắng tai “cao sơn lưu thủy” tất nghe trong tiếng nước chảy, câu ngâm:

Ta nằm ở giữa cân trời đất.

Khối ngọc không nghiêng một hướng nào(27),

Ðến khẩu sông Chò là chấm dứt khúc thượng lưu của SÔNG CÁI.

Nơi đây có một cái vực rộng trên vài mẫu và sâu đến sáu sải. Nước xanh lặc lìa. Trong vực có nhiều cua đinh. Lắm con to lớn, đầu bằng đầu người và vai rộng như chiếc nong. Truyền rằng trong vực có hai con cá bạc má lớn bằng chiếc ghe bầu, và một con cá kẽm to như một con trâu cầm bầy sung sức. Những con vật này mỗi khi nổi lên thì sóng dậy cuồn cuộn.

Vịnh vực Từ Mẫu, cụ tú Phan Duy Thuần quận Diên Khánh có câu:

Sông cái vực này sâu sáu sải.

Có khi cá nổi lớn vô song.

Và Thị Nại Thị có câu:

Cá nằm đáy nước chờ phong hội,

Chẳng hóa rồng thiêng cũng hóa bằng.

Từ vực Từ Mẫu trở xuống, sông Cái hết bị núi non chèn ép, thong dong chảy giữa đồng bằng. Hai bên bờ ruộng nương, nhà cửa, với bóng tre bóng dừa xanh mát, in bóng trên dòng xanh. Và chảy quanh co chừng mười một mười hai cấy số, đến thôn Trường Lạc tại Hà Dừa, lại gặp con sông Suối Dầu, từ Cam Lâm chảy ra.

Sông Suối Dầu phát nguyên tại Hòn Bà, quận Cam Lâm, và chảy xiên xiên ra hướng Ðông Bắc. Ðến thôn Thủy Xương, xã Suối Hiệp thì chia làm hai phái. Một chảy xuống Ðông về cửa Bé. Một chảy ra sông Cái để theo về Cửa Lớn Nha Trang.

Sông Suối Dầu là phụ lưu cuối cùng của sông Cái.

Từ khẩu sông Suối Dầu, sông Cái chạy qua sau lưng thành Diên Khánh để chảy xuống Vĩnh Xương, sông Cái chia làm hai phái:

– Một phái chảy xuống Ðông Nam, qua đồng ruộng, qua bãi cát, men men theo chân núi Ðồng Bò chạy xuống thôn Trường Ðông và rót vào cửa Tiểu Cù Huân, tức cửa Bé. Phái này bị lấp nơi phân lưu. Còn dòng nước thì nhiều nơi trở thành đồng bằng, đôi nơi đọng lại thành bàu thành ao. Những khi mưa lụt, nước nhớ đường cũ từ sông Cái tràn vào vạch lại dòng sông xưa một cách rõ rệt.

– Phái thứ hai chảy xiên xiên suống hướng Ðông Bắc. Ðây là phái chính. Và hiện thời là con sông Cái, vì phía Nam trên thực tế không còn hiện hữu một cách thường xuyên.

Từ Xuân Lạc chảy đến Ngọc Hội, sông lại chia làm 2 chi:

– Một chi chảy vào Phương Sài gọi là Ngư Trường (tên cổ nhân mượn bến Trường Cá tại Phường Củi mà đặt), rồi chảy xuống Hà Ra. Nơi đây nước xoáy thành một đầm rộng chừng bảy mẫu, tên chữ là Cù Ðàm, tên thường là đầm Xương Huân. Nước sông một nửa chảy vào đầm, một nửa chảy xuống Xóm Cồn để ra cửa Ðại Cù Huân tức Cửa Lớn Nha Trang.

– Chi thứ hai, rộng và sâu hơn, chảy xuống Xóm Bóng thuộc thôn Cù Lao, rồi cũng chảy ra cửa Nha Trang như chi kia.

Hai chi giáp nhau trước khi ra cửa, và cùng nhau ôm kín một cồn đất phù sa tục gọi là Cồn Dê, có nhà cửa đông đúc và vườn dừa bát ngát xanh.

Từ Ngọc Hội trở lên là Trung lưu sông Nha Trang. Từ Ngọc Hội trở xuống là Hạ lưu.

Trong khúc hạ lưu có 3 cầu dài:

– Cầu Hỏa xa ở Ngọc Hội.

– Cầu Hà Ra ở trên đường Quốc Lộ số 1 phía Nam thành phố Nha Trang.

– Cầu Xóm Bóng bắc ngang qua cửa sông Nha Trang, trên đường Quốc Lộ số 1.

Cửa sông rộng nhưng không được sâu lắm, lại có nhiều đống đá cao lớn mọc ở giữa, có phần bất tiện cho việc lưu thông. Những đá ấy gọi là Ðá Chữ(28). Trông giống như bầy trâu nước khổng lồ nổi lên mặt sông phơi lông.

Khách làng thơ bảo nhau rằng đó là những giọt mực “rảy bút” của Hóa Công làm rơi, khi vừa vẽ xong con sông Nha Trang vậy.

*         

 Tên Nha Trang, trên thực tế, chỉ dùng để gọi khúc sông từ Ngọc Hội chảy xuống biển.

Sông qua thôn nào thì mang tên thôn ấy.

Nhưng trong sách xưa, như Ðại Nam Nhất Thống Chí, thường gọi là sông Phú Lộc, vì sông chảy qua làng Phú Lộc, mà làng Phú Lộc trước kia là một làng có nhiều nhân vật hữu danh và thịnh vượng nhất vùng Vĩnh Xương Diên Khánh. Sách Ðịa lý ngày nay, thường dùng tên Nha Trang mà gọi sông. Anh chị em bình dân thì gọi là sông Cái. Còn khách hàn mặc thì gọi là Cù Giang, tức sông Cù.

Theo các vị cố lão ở Khánh Hòa thì Nha Trang là tên kỳ cựu của con sông.

Nha Trang do tiếng thổ âm của người Chiêm Thành mà đọc trại ra. Tiếng đó là Ea Tran Yjatran. Ea hay Yja là nước là sông. Tran là lau lách. Gọi như vậy là vì xưa kia, hai bên sông lau lách mọc đầy.

Câu thơ được truyền tụng ở Khánh Hòa:

Lưỡng ngạn vi lô trường đảo hải

Tứ biên hoàng diệp dục vi thu.

Nghĩa là:

Trắng ngợp đôi bờ lau tới biển,

Vàng bay bốn phía lá gieo thu.

Có phải là câu thơ vịnh sông Nha Trang?

Nha Trang vốn là tên con sông. Khi người Pháp đánh chiếm Khánh Hòa xong, mới lấy làm tên thành phố hiện tại (29),

Nói tóm lại, dùng tên Nha Trang làm tên chính thức để gọi con sông Cù, tưởng đích đáng hơn tên nào hết. Tên cũ nay làm mới lại, đã hợp tình hợp lý, mà còn làm cho người phương xa dễ phân biệt với những con sông khác, và khó lẫn lộn về vị trí Bắc Nam

*

Sông Nha Trang không sâu, cũng không được rộng. Mùa mưa thì nước sông lai láng. Ðứng bờ bên nầy trông sang bờ bên kia thì “con ngựa trông nhỏ còn bằng con dê”. Ðến mùa nắng thì lòng sông, chỗ sâu nhất độ hai thước là cùng, còn thường thường thì từ một thước rưỡi trở xuống. Bề rộng của lòng sông, kể cả bãi cát ở hai bên, thì nơi rộng nhất không quá 500 thước và nơi hẹp nhất cũng từ 300 thước trở xuống, 200 thước trở lên. Ðó là nói về khúc sông từ vực Từ Mẫu đến biển. Còn trên khúc thượng lưu thì hẹp hơn nhiều.

Vì lòng sông cạn nên thuyền trọng tải chỉ lên xuống được dễ dàng trong mùa mưa.

Ðó là hiện trạng ngày nay.

Xưa kia, sông Nha Trang vừa sâu vừa rộng. Cửa sông mở từ Xóm Bóng thấu Hà Ra. Giữa sông không có nổng Cồn Dê. Từ Ngọc Hội nước chảy thẳng xuống biển chớ không phân lưu như hiện nay. Bến Trường Cá ở Phường Củi ăn sâu vào tận chân núi Trại Thủy chùa Hải Ðức và núi Gành chùa Kim Sơn. Nước lênh láng như biển. Mùa nắng cũng như mùa mưa, không lúc nào, không lúc nào có thể lội qua được.

Vì vậy nên chiến thuyền của nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn mới có thể lên xuống thành Diên Khánh, và bến Trường Cá mới dùng làm nơi tranh hùng tranh bá của hai nhà “đồng tánh bất đồng tông”.

Giữa hai nhà có ba trận đánh lớn trên sông Nha Trang.

– Năm Quý Sửu (1793), chiến thuyền của Nguyễn Ánh kéo lên Diên Khánh, bị quân Tây Sơn chận đánh tại Trường Cá. Hai bên kịch chiến, máu chảy đỏ sông!

– Năm Ất Mão (1795), tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu đem thủy binh và bộ binh vào thành Diên Khánh. Thủy binh của họ Trần bị Võ Tánh đánh chận tại Trường Cá. Trận này ác liệt gấp mấy mươi lần trận Quý Sửu. Quân Tây Sơn đã thiện thủy chiến lại đồng quyết tử nên quân nhà Nguyễn chống không nổi, bị tiêu diệt, xác chết và ván thuyền hư chận đứng cả nước sông. Võ Tánh thất kinh rút tàn quân vào thành cố thủ.

Trần Quang Diệu vây chặt thành.

Nguyễn Ánh hay tin đem thủy binh ra cứu. Nhưng không lên nổi Diên Khánh, phải đóng quân chặn nơi cửa sông Nha Trang, và các nơi núi non hiểm yếu.

– Sau đó Trần Quang Diệu có việc phải lui về Phú Xuân, đi đường núi bất tiện phải mở đường mặt biển. Thế là một trận đánh thứ ba xảy ra. Nhưng không kịch liệt bằng hai trận trước. Bởi Nguyễn Ánh biết Trần Quang Diệu hùng mãnh không thể thắng nổi, thêm nữa mục đích xuất quân chỉ để giải vây cho Võ Tánh, mà địch tự nhiên rút lui thì còn chận lại làm chi. Do đó, mà hai bên đều ít hao binh tổn tướng.

Những sự kiện lịch sử nầy tuy sử nhà Nguyễn không chép rõ. Nhưng cũng đã khắc sâu vào bia miệng người địa phương. Nên trải hơn 170 năm mưa nắng, rêu dẫu mờ mà nét vẫn không mờ.

Vịnh sông Nha Trang, Cổ Bàn Nhân có câu:

Trường Cá mây lồng tranh Hán Sở,

Cồn Dê cỏ phủ lớp tang thương.

Và gần đây một du khách ở Quy Nhơn vào chơi Nha Trang, nghe kể chuyện hai nhà Nguyễn tương tranh trên sông Cù, ngẫu chiếm hai câu trào lộng ngậm đủ tình, cảnh, cổ kim:

Trường Cá nước chìm hai họ Nguyễn,

Sông Cù đất nổi một cồn Dê!

*         

Phần nhiều khách du quan viếng sông Nha Trang, chỉ viếng khúc hạ lưu và trung lưu, chớ không mấy ai có gan lên đến thượng lưu để xem những thác nước là nơi chứa đựng nhiều nhất kỳ thú của sông.

Sông Nha Trang có rất nhiều thác.

Từ khẩu sông Chò trở lên thì có:

Thác Ðồng Trăng ở nơi giao thủy sông Chò và sông Cái.

– Thác Ông Hào cách thác Ðồng Trăng chừng một cây số.

Thác Ðá Lửa.

– Thác Nhét.

– Thác Mòng.

– Thác Võng.

Những thác nầy đều nằm trong địa phận Ðồng Trăng và cách nhau chỉ trên dưới một cây số.

Và những người lên nguồn, đến Bàn Giáp gần Thác Võng thì phải bày lễ vật cúng quỷ thần rồi mới dám tiếp tục đi. Có lẽ nơi đây là ranh giới làng nước của “kẻ khuất mặt”, và lễ cúng kia là lễ bàn giao.

Qua khơi Thác Võng thì đến:

– Thác Dằng Xay,

Thác Tham Dự,

Thác Ngựa,

– Thác Hồng Tượng,

– Thác Trâu Ðụng,

– Thác Giang Ché,

– Thác Trâu Á,

– Thác Nai,

– Thác Rùa,

– Thác Hòm, vân vân…

Những người lên nguồn làm súc gỗ, lên đến Thác Hòm mà thôi. Trên nguồn có lắm thác nhưng ít người lên đến nên không có tên.

Và hầu hết những thác thượng dẫn không cao như những thác Camly, Gougah, Ankrouet Prenn ở Dalat. Thác nào cao lắm cũng trên dưới vài thước mà thôi. Nhưng nhiều thác rất nguy hiểm. Cho nên ghe bè lên xuống phải hết sức cẩn thận và tay chèo chống phải hết sức thạo nghề thì mới tránh khỏi tai nạn.

Có những điểm đặc biệt đáng lưu ý, là những thác sau đây kể từ nguồn trở xuống.

THÁC HÒM

Ở trên nguồn Gia Toui.

Nước trên các kheo các suối chảy dồn xuống một hồ rộng. Cuối hồ một đập đá thiên nhiên nằm chận ngang dòng nước chảy. Do đó nước hồ luôn luôn lênh láng và sâu không biết bao nhiêu.

Dưới đập đá có một lỗ cống bồng bềnh. Nước hồ theo lỗ cống chảy qua bên kia đập đá và tuôn xuống một vực sâu, tiếng vang ầm ầm.

Thợ rừng làm súc gỗ xong kết bè thả xuống hồ rồi trèo qua đập đá sang bên kia đợi. Bè gỗ thường bị mắc kẹt trong hang. Phần trôi ra ngoài mười phần chỉ còn độ ba bốn. Rất ít khi bè ra được nguyên.

Vì nước thác chảy luồn qua cống đập đá bốn bên bịt bùng nên gọi là thác Hòm.

THÁC RÙA

– Gọi như thế vì giữa thác có nhiều đá hình tròn tròn trông giống mai rùa. Những đá ấy lớp chìm lớp nổi. Bè đi vô ý bị va vào tất nguy.

THÁC NAI

– Giữa thác có một hòn đá hình thù giống một con nai mới lú sừng.

Thác Nai hiền như Nai. Nếu không có hình đá trông xinh xinh thì không mấy ai để ý.

Thác Nai, thác Rùa, thác Hòm ở trên Thạch Trại, là những thác hữu danh thuộc về nguồn.

Từ Thạch Trại trở xuống, những tác được để ý nhất là:

THÁC TRÂU Á

– Trâu Á là trâu húc nhau. Gọi như vậy là vì nơi thác có hai tảng đá to lớn hình giống hai con trâu giao đầu lại với nhau, như đang húc lộn. Hình trâu có đủ đầu đủ sừng, một phần chìm dưới nước, một phần nổi lên trên. Bè phải len chính giữa hai đầu trâu mà đi. Lắm khi bị vướng vào sừng xảy ra tại nạn. Thời Tiền Chiến sừng trâu bị sét đánh gãy, nên sự qua lại ít nguy hiểm hơn xưa.

THÁC GIANG CHÉ

– Thác ở gần khẩu sông Khê.

Ở giữa thác có một tảng đá nổi cao, hình giống như một cái ché cổ. Ché bị sét đánh sứt hết một phía miệng.

Thác Giang Ché không nguy hiểm. Và ngoài cái Ché trời sanh rồi trời đánh, không có chi đặc biệt.

THÁC TRÂU ÐỤNG

– Cảnh tượng khác thác Trâu Á.

Trâu ở thác Trâu Á đứng hai bên sông. Trâu ở thác Trâu đụng lại nằm phía giữa dòng. Và có ba con. Trâu mẹ nằm giữa, hai trâu nghé nằm hai bên.

Bè ở trên theo sức nước trôi xuống, nếu lỡ tay sào, thì nhất định bị đụng vào đá, không đụng vào tảng này cũng đụng vào tảng kia. Mà một khi đụng vào thì hoặc chìm hoaëc vỡ, chớ khó mà “bình yên”. Cho nên tay sào thật giỏi mới dám qua thác Trâu Ðụng.

THÁC HÔNG TƯỢNG

– Gọi tắc là thác Hông.

Gọi thế là vì nước thác xối thẳng vào hông núi rồi mới quay trở lại xuôi theo dòng sông. Bè trôi xuống, nếu chống đỡ không khéo, bị tột vào hông núi, thì dội ngược lại và chìm ngay.

Hông núi vừa to vừa mốc như da voi, nên gọi là hông tượng.

THÁC NGỰA

– Thường gọi là thác Ngựa lồng.

Thác dài đến trên dưới ba trăm thước. Không dốc nhưng có nhiều đá mọc ngầm dưới nước. Có ba tảng cao nhất, chỏm lên gần sát mặt nước. Nằm theo hàng dọc. Nước chảy xuống bị sức cản, bắn bọt tung tòe. Trông dạng nước chảy qua ba tảng đá ấy, lên cao rồi xuống thấp, giống như kiểu ngựa. Cho nên ba tảng đá mang tên là Kiều Nhất (tảng ở trên hết), Kiều Nhì (tảng ở giữa), Kiều Ba (tảng cuối). Sức nước qua thác Ngựa rất mạnh. Dòng nước chảy cuồn cuộn trông hung hãn như ngựa lồng. Do đó mà mệnh danh là thác Ngựa Lồng(30).

THÁC THAM DỰ

Cũng gọi là thác sông Cầu vì nằm nơi giao thủy sông Cầu và sông Cái.

Giữa thác nổi lên một cồn cát. Nước chảy chung quanh cồn giống như hai tay ôm choàng một thúng cát. Cánh phía Bắc cạn. Ghe bè đi bên cánh Nam. Thác không nguy hiểm.

THÁC DẰNG XAY

Mệnh danh như thế là vì thác chảy theo hình cánh chỏ, trông giống dằng xay xay lúa. Nước chảy rất mạnh. Nơi nghẹo cánh chỏ có một cồn cát. Nước chảy xuống dội mạnh vào nghẹo cánh chỏ bị dội trở lại, một phần theo dòng sông chảy xuôi, một phần chạy vòng quanh cồn cát như kiểu xay lúa. Ðó là một điểm nữa làm cho thác lấy tên là Dằng Xay chớ không lấn tên Cánh Chỏ hay Chữ Chi. Bè ghe khi xuống gần đến khúc nghẹo dằng xay, thì các tay sào phải sẵn sàng giơ ra theo hướng thuận tiện để chống vào vách đá cho ghe bè theo đúng đường trôi xuôi. Nếu lỡ tay thì thế nào cũng bị va vào vách đá. Mà một khi bị va thì không vỡ cũng chìm, hoặc bị đẩy lọt vào phần nước bị dội và bị nước cuốn chạy vòng quanh cồn cát, phải tốn nhiều công sức mới ra khỏi vòng xà quây.

THÁC VÕNG

Cảnh tượng có phần kỳ quái.

Ðá chồng thành một đập thiên nhiên, từ bờ phía hữu chạy xiên xiên ra đến hai phần ba sông. Nước đương xuống thác đã mạnh lại còn bị đập đá cản lại thành mạnh thêm. Ðã vậy tại chỗ nước lại có một dây rừng giăng ngang qua từ bờ phía bên tả đến đập đá như một cái võng đưa em. Dây ấy là một dây sống, lớn bằng bắp vế và giăng sà sà trên mặt nước. Nước thác chảy đánh tung dây lên cao. Dây tung lên rồi rớt xuống. Rớt xuống lại bị đánh tung lên. Cứ tung lên rớt xuống như dây của trẻ em tung để cùng nhảy với nhau. Ghe bè lên xuống, phải canh cho đúng lúc dây tung lên để lướt nhanh qua thác. Nếu qua không kịp thì bị dây quất xuống, ghe bè không vỡ cũng chìm, còn người không hộc máu chết tại chỗ, khi về nhà cũng bị sưng mình mẩy mà chết. Tại nạn xảy ra luôn.

Người địa phương tin là dây thiêng, không ai dám xúc phạm.

Một nho sinh quyết liều chết để cởi ách cho đồng bào. Chàng mài một lưỡi rựa thật bén, rồi đến chặt đứt hai đầu dây. Nhựa cây ra như huyết heo tuôn đỏ cả mặt nước. Thấy vậy kẻ mê tín càng tin ràng đó là huyết của cây thành tinh, và chắc thế nào chàng nho sinh cũng bị yêu ma bắt chết. Chàng nho sinh sau khi về nhà, kẻ thì đồn rằng học máu chết, người thì cười bảo “chàng bị Diêm vương đòi hỏi tội lúc tuổi đã quá cao”. Không biết lời nào phải. Chỉ biết rằng nhờ lòng nghĩa hiệp của chàng nho sinh mà võng tinh không còn và ghe bè qua thác được dễ dàng, yên ổn.

Một nhà nho nghe chuyện nho sinh, đắc ý vỗ đùi ngâm:

Trên đời chẳng có nhà Nho,

Thời nơi Thác Võng mối lo mãi còn.

Cho hay giấy trắng lòng son,

Nghìn thu tô điểm nước non thêm tình (31).

THÁC NHÉT

Giữa thác có nhiều đá nằm như thúng úp. Dưới thác có một lỗ to lớn lõm sâu vào vách núi, tục gọi là Lỗ Ðoi. Nước chảy rất mạnh, và bị đá chận thành có nhiều nơi chảy vòng nong theo kẽ đá. Ghe bè xuống thác, nếu không cẩn thận thì thường bị nước tống vào kẹt đá hoặc vào Lỗ Ðoi, mắc cứng như bị nhét.

Vì vậy mà thác mệnh danh là thác Nhét.

Ðể qua thác được bình an, mỗi khi đi ngang qua Lỗ Ðoi, người cầm sào lấy sào thọc vào lỗ mấy cái. Ðó là tục lệ xưa nay. Các nhà văn nhà thơ thấy vậy mới đặt tên cho thác Nhét một mỹ hiệu là “Mỹ Nhân quan”. Và những khách anh hùng muốn được “dị quái” phải “tùng phục(32).

Ðến viếng Lỗ Ðoi, du khách không khỏi liên tưởng đến hồ Lỗ Ðĩ và miếu Lỗ Lườn ở Vạn Ninh. Có lẽ đó là tục thờ Lingam và Yoni của người(33) Chàm còn truyền lại.

Lỗ Ðoi cũng là một đề tài của khách ngâm vịnh. Ðược truyền tụng là bài của cụ tú Phan Duy Tuần họa vần bài của cụ Ðông Giả:

Trèo lên thì dễ, xuống mà coi,

Ghe nhét nhiều lần tại Lỗ Ðoi.

Nước chảy vòng nong gành rậm rịt,

Ðá hàng úp thúng lạch thoi loi.

Hiểm sâu quen thói chôn đồ đạc,

Lăn lóc cam phần ngủ bãi doi.

Ai bảo rằng linh? Dâm tợ đĩ!

Bao nhiêu sào chọt với dầm moi (34).

Các các thác khác, không có gì đặc biệt.

Và các thác kể trên, hầu hết nguy hiểm. Nhưng nguy hiểm nhất là Ngựa Lồng, Trâu Ðụng và Dằng Xay. Cho nên ca dao địa phương có câu:

Ngựa Lồng Trâu Ðụng Dằng xay

Khỏi ba thác ấy khoanh tay mà ngồi.

Ðó là nói việc đi xuống. Chớ đi lên thì ai cũng ngán Thác Ngựa, vì quá dài.

Trường Xuyên thời Tiền Chiến đã mượn thác Ngựa để gởi chút lòng nhắn cùng người “đồng hội đồng thuyền”.

Anh muốn tìm nguồn trong

Nên đi ngược dòng sông Cái?

Hay bị bùa bị ngải

Nên anh bỏ bãi lên nguồn?

Thuyền anh dù thuận gió đi luôn,

Ðến đầu Thác Ngựa cũn phải cuốn buồm trở lui.

Thế xưa lời đã nặng lời,

Anh cố xa em đi nữa,

Chẳng phải ý trời thời cũng khó xa.

Anh đi em ở lại nhà,

Biển sâu lặn lội,

Em nuôi mẹ già thay anh.

Trên các nhánh sông, nhánh nào cũng có nhiều thác. Song có tiếng nhất là thác Giang Lo, vì rất nguy hiểm.

THÁC GIANG LO

Nằm trên sông Giang.

Cao đến hai thước và đứng sững như vách.

Cách chân thác chừng mười lăm hai mươi thước lại có một hòn đá to lớn nằm ló đầu lên mặt nước. Bè ghe xuống thác thường bị tột vào đá vỡ tan. Cho nên những tay sào đi trên sông cái, dù tài giỏi đến đâu cũng không dám đi trên sông Giang.

Ghe đi trên sông Giang, hễ gần dến thác Giang Lo thì phải lo cất hết hàng hóa xuống để cho ghe qua thác rồi mới chất trở lên. Còn bè thì người chống phải ngồi bám vào bè cho thật chặt và ngọn sào phải để sẵn một bên. Bè xuống khỏi thác thì chìm sâu lút đầu người. Ðến khi nổi lên thì tay sào phải sẵn sàng để chống vào đá, cho bè thuận theo dòng nước mà xuôi.

Người ta bảo rằng:

Vì đi trên sông Giang, đến thác nầy ai nấy đều lo sợ, cho nên gọi là thác Giang Lo.

Nhưng sự thiệt thì Giang Lo là tiếng Thượng, đọc và viết theo tiếng Kinh.

Còn các thác khác cũng có nhiều cảnh lạ, nhưng khó mà đi đến, nên du khách tạm dừng chân nơi Giang Lo, để lấy sức trở lui xuống sông Cái.

*       

Từ nguồn chí biển, Sông Cái tức sông Nha Trang, vượt qua nào núi nào rừng, nào ruộng nương thôn ấp. Nếu sẵn tại Tống Ðịch, thì thế nào cũng có ít nhất tám cảnh Tiêu Tương (35).

Trong khi chờ mộng Giang Yêm(36), thì xin giới thiệu “thực chất” của sông Nha Trang, để khi mộng thành thì được “văn chất bân bân” cho khoái tâm khoái khẩu.

Sông Nha Trang có nhiều cá. Nhưng có một giống cá mà các bà nội trợ nặng tình Mạnh Quang thường mua về để “cử án”(37). Ðó là cá Ðục. Thứ cá nầy không phải riêng sông Nha Trang mới có. Song cá Ðục Nha Trang đặc biệt hơn các sông khác là thịt đã ngọt lại thơm.

Nhân vị đặc biệt ấy mà thời Nhật Pháp tranh quyền trên lãnh thổ Việt Nam (19401944), một người ở Nha Trang đã mượn con cá Ðục để gởi tâm sự cùng bạn đồng chí:

Sông Nha Trang,

Cát vàng nước lục,

Thảnh thơi con cá đục

Lội dọc lội ngang.

Ðã nguyền cùng em giữ dạ đá vàng,

Quý chi tách cà phê đen, ly sữa bò trắng,

Anh nỡ phụ phàng nước non?

Ðó, sông Nha Trang, tức Cù Giang, tức sông Cái, mới ngó qua tưởng không có gì đặc sắc. Nhưng nếu rõ được ngọn nguồn lạch sông, thì hưởng được không biết bao nhiêu thú vị, thú vị về phong cảnh, về lịch sử, về truyền thuyết… mà muốn hưởng được trọn phải chịu khó đến tận nơi.“.

2.

Hình ảnh này không có thuộc tính alt; tên tập tin này là sanvietnam19971.jpg

SẮN VIỆT ĐẤT ÔNG HOÀNG

Sắn Việt đất ông Hoàng / Nha Trang và A Yersin/ A Na Bà Chúa Ngọc / Hòn Bà Sông Nha Trang/ Chuyện ngậm ngãi tìm trầm/ …/ là ghi chép du lịch nông nghiệp sinh thái của Hoàng Kim về sự thật những điều mắt thấy tai nghe theo lối đúc kết Dư địa chí Việt Nam về một phương chí hẹp vùng miền, lối ghi noi theo Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn tinh hoa và Xứ Trầm Hương Quách Tấn. Sự ghi chép thuận theo hoàn cảnh tự nhiên, nhiều điểm chưa kịp đến đích nhưng hoàn toàn là sự thật,. là đường xuân xuân đời quên tuổi, miệt mài #thung dung, theo niềm đam mê tình yêu cuộc sống, khoa học cây trồng.

Chúng tôi đến trồng sắn KM94, SM937-26 tại khu đất 500 ha của ông Năm Hoàng Yersin tại Suối Dầu Cam Lâm . Đó là một duyên may kỳ lạ. Giống sắn KM94 đã loang nhanh khắp miền Trung và Việt Nam, thành giống sắn chủ lực Việt Nam. Giống sắn SM937-26 sau gần 30 năm (1994-2022) nay vẫn là một trong những nguồn lợi chính cho bao người dân ở tỉnh Khánh Hòa. Ngày thứ Hại tháng 4 năm 2022, đề tài “Một số giống cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả kinh tế phù hợp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa” do tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương , Viện Khoa học Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ chủ trì thực hiện, phối hợp cùng với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với các cơ quan hữu quan Khánh Hòa đã đánh giá nguồn vật liệu giống cây trồng vật nuôi của ti3nhva2 tiếp tục xác nhận rằng giống săn SM937-26 là giống sắn tốt nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh (Giống sắn này được tích hợp gen tốt thành KM397, tiếp tục bảo tồn phát triển giống sắn KM568)

Hình ảnh này không có thuộc tính alt; tên tập tin này là sanvietnam1997c.jpg
Hình ảnh này không có thuộc tính alt; tên tập tin này là ve-suoi-dau-nha-trang-tham-yersin.jpg

ĐẤT SUỐI DẦU A. YERSIN

Trại Chăn nuôi  Suối Dầu ở Suối Cát xã Cam Lâm, cách Nha Trang 20 km về phía nam và cách Đà Lạt 191 km. Nơi cột mốc cây số ven đường Quốc lộ 1 vẫn là tấm bảng hiệu khiêm nhường chỉ đường vào đất lành suối Dầu ông Năm Yersin. (Suối Dầu hay suối Giầu, giống như Đại Ngãi hay Đại Nghĩa, quê hương người anh hùng lao động Lương Định Của con đường lúa gạo Việt Nam ở Sóc Trăng). Trại Chăn nuôi Suối Dầu Cam Lâm chính nơi đây năm 1993 đã là nôi khảo nghiệm nhân giống sắn KM94 ra Khánh Hòa và các tỉnh miền Trung Việt Nam sau hơn nữa thế kỷ từ năm 1943 mà bác Năm Yersin mất. Chị Đinh Thị Dục, giám đốc Trung tâm Khuyến Nông và Khuyến Lâm Khánh Hòa đã phối hợp cùng chúng tôi công bố kết quả này tại sách sắn ”Chương trình sắn Việt Nam hướng đến năm 2000″ trang 239 – 243. Tôi tìm về di sản đất lành Suối Dầu ông Năm Yersin với biết bao xúc động cảm khái. Tôi lắng nghe các cây cao su già trăm tuổi, mía, đồng cỏ …và các ruộng sắn rì rào trò chuyện với gió núi, gió đồng quê gió biển. Chính nơi đây một phần tư thế kỷ trước tôi đã đến đây nhiều lần và thấu hiểu và chiêm nghiêm trên cõi đời này có nhiều điều uẩn khúc. Mục tiêu sau cùng của dạy và học là thấu suốt bản chất sự vật có lời giải đúng và làm được việc. xem tiếp https://hoangkimlong.wordpress.com/category/nha-trang-va-a-yersin/

3

HUYỀN THOẠI XỨ TRẦM HƯƠNG

(đón đọc)

CNM365 Tình yêu cuộc sống
DẠY VÀ HỌC https://hoangkimvn.wordpress.com
ngày mới nhất bấm vào đây cập nhật mỗi ngày

Video yêu thích
KimYouTube

Trở về trang chính
Hoàng Kim Long, Ngọc Phương Nam, Thung dung, Dạy và Học, Việt Nam Học, Cây Lương thực Việt Nam, CNM365 Tình yêu Cuộc sống, Kim on LinkedIn, Kim on Facebook, Kim on Twitter



Ông Năm Yersin không phải là người Việt nhưng ông được mọi người Việt mọi thời yêu quý, tôn kính, ngưỡng mộ. Ông thật hạnh phúc.Đất lành bác Năm Yersin như cuốn sách kỳ diệu “vừng ơi mở ra”. Nha Trang và Yersin, đất lành chim đậu, người hiền đến ở. Nơi đây an nhiên một CON NGƯỜI.