Thầy Dương Thanh Liêm

thayduongthanhliem

THẦY DƯƠNG THANH LIÊM
Hoàng Kim

Thầy Dương Thanh Liêm là nhà giáo Nhân dân, chuyên gia đầu ngành Việt Nam về dinh dưỡng gia súc, độc chất học. Thầy PGS.TS Dương Thanh Liêm nguyên là Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 1994-1998, thời mà thầy Bùi Cách Tuyến và cô Nguyễn Phước Nhuận làm hiệu phó.Thầy mất ngày 1 tháng 12 năm 2018 nhằm ngày 25 tháng 10 năm Mậu Tuất. Người Thầy mà nhân cách, sự tận tụy và đức hi sinh cao hơn những trang sách đã học . Thế hệ chúng tôi may mắn được học Thầy.

Trước ngày thầy đi về cõi vĩnh hằng, tôi nghe tin thầy đau nặng, suy tim cấp giai đoạn cuối, đang điều trị ở phòng săn sóc tích cực của Bệnh Viện Việt Pháp số 6 Nguyễn Lương Bằng quận 7, tin do thầy Dương Duy Đồng và thầy Trần Đình Lý thông báo, nên tôi vội gấp từ miền Trung về thăm thầy. Khi tôi đến Thầy đã chuyển lên phòng 642, tuy thầy có đỡ hơn trước một chút và vẫn minh mẫn tĩnh táo trò chuyện nhưng thầy rất mệt. Tôi thầm mong quý thầy bạn sớm ghé thăm hổ trợ thầy.. Thầy tuy an nhiên vui vẻ nhưng suy tim hiểm nghèo, và thầy đã luống tuổi trên 80 xuân, gặp được thầy lúc nào là quý lúc đó. Tôi lắng nghe lòng rưng rưng. Tôi thưa với thầy tôi tri ngộ thầy và tâm đắc ở thầy ba chuyện: đức độ hi sinh, thanh liêm chính trực, tận tụy dạy người. Đó là ba bài học lớn.

Nhớ về Thầy, bài học của thầy trong tôi thật sâu sắc

Thầy tôi sao sáng giữa trời
Áo cơm thì thấp tình người thì cao.
Nhớ Thầy Hoa Nắng xôn xao
Hoa Người Hoa Đất biết bao ân tình.

Nhớ Thầy xưa rạng sử xanh
Thương Thầy phúc hậu trời dành đức cho.
Con đường xanh sáng ước mơ
Tình yêu cuộc sống tới bờ thung dung.

Đức độ hi sinh

Thầy Dương Thanh Liêm sinh năm 1938 tại xã Thuận Điền, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Năm 1955 thầy tập kết ra Bắc và học tại Trường Học sinh miền Nam, sau đó vào học Trường Đại Học Nông nghiệp 1 Hà Nội (nay là Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam). Năm 1974, thầy bảo vệ thành công luận án PTS tại Hungary, năm 1976 thầy chuyển vào công tác tại Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1994-1998 thầy làm Hiệu Trưởng Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2004, thầy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.

Thầy Dương Thanh Liêm đức độ hi sinh nhẫn nại hiếm thấy  trong một tình cảnh gia đình ngặt nghèo cùng cực. Vợ phát bệnh tâm thần sau khi sinh con trai được mấy tháng. Đứa con trai duy nhất của thầy đã chết đuối năm 13 tuổi . Thầy ngày ngày nuôi vợ bệnh tâm thần và hai người con gái bị suy nhược thần kinh. Vợ thầy mất năm 2014. Suốt cuộc đời bất hạnh, thầy Dương Thanh Liêm đã vượt lên những nỗi đau và tổn thất thiệt thòi cùng cực của riêng mình, để  trao lại cho Trường, cho đời những niềm vui và sự thành công.

Lịch sử Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh thời thầy Dương Thanh Liêm làm Hiệu Trưởng đã có những dấu ấn nổi bật, tuy chưa có xâu chuỗi so sánh lịch sử. Thầy đã cống hiến cho trường đầy đặn thủy chung như Abraham Lincoln đối với nước Mỹ chịu riêng mình nỗi đau và bất hạnh khủng khiếp khó tưởng tượng nổi nhưng thầy đã an nhiên và điềm tĩnh vượt qua.

Thầy như thiền sư giữa đời thường.

Giáo sư Dương Thanh Liêm là Hiệu trưởng và Phó Giáo sư Lưu Trọng Hiếu là Trưởng Phòng Hợp tác Quốc tế những người thầy nhân cách cao quý  ‘dĩ công vi thượng’ đặt việc chung lên trên, sẵn sáng ‘ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng’ cùng quý thầy cô tham gia nghiên cứu khoa học thực sự cùng lũ học trò chúng tôi mà không hề so đo tính toán.

thayduongthanhlienvabotlasan

Chương trình Sắn Việt Nam (Viet Nam Cassava Program – VNCP) do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam chủ trì kết nối với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, CIAT, CIP, VEDAN cùng với nhiều cơ quan, công ty, đơn vị, cá nhân của Việt Nam và Thế Giới.

Chương trình Sắn Việt Nam (Viet Nam Cassava Program – VNCP) có hoạt động như là một hiệp hội nghề nghiệp. Cây sắn Việt Nam bảo tồn và phát triển bền vững nhờ sự “góp gạo thổi ăn chung”. Thầy Dương Thanh Liêm, thầy Lưu Trọng Hiếu cùng quý thầy cô Bùi Xuân An, Ngô Văn Mận, Nguyễn Thị Sâm, Trần Thị Dung của Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh là những người đồng sáng lập và tham gia từ rất sớm chương trình cộng đồng này.

duongthanhliem2

Hai trong số tám sách khoai sắn dày dặn thời bấy giờ có hình trên đây là nhờ sự chung sức kết nối.  Nhiều chuyên gia quốc tế sau này vẫn thích trở lại bài học sắn Việt Nam bây giờ và sau đó (Vietnam and Cassava: Now and Then by Prof. Dr. Kazuo Kawano) như là một điểm sáng toàn cầu.

Thầy Lưu Trọng Hiếu nhiều lần cùng cô Nguyễn Thị Sâm đưa chuyên gia và tôi về Vĩnh Long để ‘khoe” giống khoai lang mới HL518 (Nhật đỏ) HL491 (Nhật tím) của học trò mình chọn tạo có thân lá tốt cho chăn nuôi và củ ăn thật ngon, thịt củ lại có màu cam đậm hoặc tím đậm, thật tốt cho công nghệ thực phẩm. Năng suất khoai lang toàn tỉnh Vĩnh Long tăng gấp đôi, diện tích từ 6.000 ha lên 12.000 ha, Thầy mừng việc của trò như chính việc mình. Thầy Dương Thanh Liêm, thầy Ngô Văn Mận, thầy Bùi Xuân An vừa nghiên cứu bột cỏ vừa … nuôi dê và giúp phân tích thành phần dinh dưỡng củ và dây lá khoai lang sắn của Kim Thủy mang đến với sự giúp đỡ tận tình mà không chút nề hà,  thầy cô nhận quà biếu chỉ ít  … củ khoai. Thầy có thể quên nhưng trò mãi nhớ…

Thầy Dương Thanh Liêm viết bài “Chế biến và sử dụng bột lá khoai mì trong chăn nuôi gia súc”. GS. Dương Thanh Liêm, KS. Nguyễn Phúc Lộc, KS. Nguyễn Văn Hảo, ThS. Ngô Văn Mận, KS. Bùi Huy Như Phúc, ThS Bùi Xuân An (sau này thầy Mận là giảng viên chính tiến sĩ, thầy An là giảng viên chính, phó giáo sư).  Đề tài sử dụng bột lá sắn làm thức ăn gia súc đã phát triển thành đề tài rất có giá trị Việt Nam, gắn liền với tên tuổi thầy Liêm với “bột cỏ” làm thức ăn hỗn hợp cho gia súc, gia cầm mà nhờ đó gia súc không thiếu sinh tố A, kháng bệnh tốt và lòng đỏ trứng gà trở nên màu vàng đẹp.

duongthanhliem4

Sử dụng lá khoai mì trong công nghiệp chế biến thức ăn gia súc (Yves Froehlich, Thái Văn Hùng). Hội thảo hiệu quả sử dụng sắn và lá sắn ủ trong khẩu phần lợn thịt và kết quả chuyển giao ủ yếm khí sắn vào các nông hộ ở Thừa Thiên Huế (Nguyễn Thị Hoa Lý, Lê Văn An, Đào Thị Phượng, Lê Văn Phước). Những nghiên cứu mới sử dụng sắn làm thức ăn gia súc. (Lê Đức Ngoan) … Những công trình nghiên cứu tiếp nối công trình của giáo sư Dương Thanh Liêm đã mở ra những thành tựu mới trong khoa học.

Nhân cách cao quý đức độ hi sinh là bài học lớn về thầy.

Thanh liêm chính trực

Thầy Dương Thanh Liêm là người thực sự thanh liêm và thẳng thắn nói lên chính kiến , Thầy yêu ghét thật rõ ràng minh bạch. Câu chuyện thanh liêm đã có nhiều người kể. Một người thầy ở nhà tập thể của trường cho tới mãi sau nghỉ hưu và có câu chuyện Trò xây nhà tặng thầy. Bài viết của Hà Thạch Hãn  ‘Một đời thanh liêm‘ trên báo Tuổi trẻ ngày 16 tháng 11 năm 2006 đã kể về Thầy.  Khoa Chăn Nuôi Thú Y Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí MinhHọc Viện Nông Nghiệp Việt Nam có thông tin về Thầy.

Giáo sư Bùi Chí Bửu khi về tiếp nhận chức vụ Viện Trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam có mời giáo sư Dương Thanh Liêm về báo cáo khoa học “Thực trạng và định hướng ngành chăn nuôi Việt Nam”. Chúng tôi lặng người khi lắng nghe những cảnh báo thật sâu và thật thấm thía những vấn đề nóng hổi của chăn nuôi thú y Việt Nam. Thầy Dương Thanh Liêm đã điềm tĩnh mổ xẽ không khoan nhượng những điều được và chưa được trong ngành chăn nuôi thú ý Việt Nam và so sánh với nghề cá và nông học. Thầy nói về trình độ của đội ngũ nghiên cứu giảng viên, cơ sở giảng dạy vật chất thiết bị và thực tập để gắn nghiên cứu đào tạo và thực tiễn sản xuất, hợp tác trong nghiên cứu khoa học và đào tạo với nước ngoài, nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ trọng tâm thứ hai và là sức sống của trường đại học. Thầy vinh danh ngành thủy sản sớm khảo sát và định danh cá nước ngọt ở Đồng Bằng Sông Cửu Long, nghiên cứu sinh học và sinh sản cá Tra trở thành đối tượng xuất khẩu hàng đầu của ngành thủy sản tạo nên thương hiệu Việt, vinh danh việc chọn tạo giống và thâm canh cây lương thực đã làm nên những kỳ tích Việt, đánh giá cao cách làm và thành quả nghiên cứu phát triển sắn khoai lang, những cây trồng cho người nghèo, vì người nghèo. Tôi nghe mà xúc động trước sự hiểu biết sâu sắc và thấm thía những cảnh báo của Thầy về những vấn đề nóng hổi của chăn nuôi thú y Việt Nam. Tôi ngối sau thầy Trần Thế Thông và khi ăn cơm thì ngồi cạnh hai thầy. Tôi nghe được các lời đối thoại không thể quên.

Thầy Liêm nói:  “Anh Thông ơi ! Ngành chăn nuôi chúng ta chưa có gà Việt, heo Việt và bò Việt tương xứng đúng nghĩa, dinh dưỡng và thức ăn gia súc thì chưa có nền công nghiệp thức ăn đáp ứng mong đợi, dịch cúm gia cầm gia súc đang là vấn nạn. Anh có giải thưởng Hồ Chí Minh về giống heo. Tôi có giải thưởng Nhà nước (Hồ Chí Minh ?) về bột cỏ dinh dưỡng thức ăn gia súc. Nhưng soi vào thực tại thì ngành Thủy sản cậu KS. Nguyễn Thanh Xuân, Đại học Nông Lâm (người nối nghiệp GS.TS. Ngô Bá Thành đã mất ) mới kỹ sư thôi, đã  cùng anh em Khoa Thủy Sản của Trường tôi và cậu Tuấn với Khoa Thủy sản Đại học Cần Thơ, họ đã làm được biết bao nhiêu việc (GS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, cựu sinh viên trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, sau là phó Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ  nhiệm kỳ 2002 – 2006 Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ  nhiệm kỳ 2007 – 2011 ) . Thủy sản Việt xuất khẩu Mỹ phải sợ không phải là chuyện đùa. Kể cả cách làm và thành quả cây sắn của cậu Kim và anh em Hưng Lộc và mạng lưới sắn là đáng suy nghĩ đấy. .. Cậu Xuân chỉ là kỹ sư thôi nhưng là chuyên gia đầu ngành thủy sản.

Thầy Liêm nói đại ý vậy, và tôi đã lặng người về Thầy.

Một người Thầy với một báo cáo đề dẫn 20 phút đã không phát biểu theo thường lệ là dành khoảng bảy phần mười thời lượng để nói về việc tốt, điều hay của nghề mình phụng sự và việc mình làm, và ba phần mười thời lượng để nói về những suy tư gợi ý và định hướng. Thầy Liêm thì khác. Thầy nói thẳng ngay vào thực trạng đến nóng mặt, những điều được và chưa được, cho những người nghe toàn là những chuyên gia chăn nuôi thú y lõi nghề của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam (Viện đa ngành duy nhất thuở ấy của Việt Nam). Thầy ngợi khen về những kết quả khác mà người thường  và những người khác ngành nghề chuyên môn không dễ thấy. Sau này khi suy ngẫm về tái cơ cấu nông nghiệp, con tôm con cá được Chính phủ nhấn mạnh gần đây, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần bài “Hột lúa và con cá” của giáo sư Tôn Thất Trình, bài “Đáy biển mò kim” và “Bốn mươi năm khoa Thủy sản” của  KS. Trần Thanh Xuân nguyên phó Trưởng Khoa Thủy sản, cùng với bài viết “Những điều tôi đã trãi qua” của thạc sĩ Lê Thị Phương Hồng, nguyên Trưởng Khoa Thủy sản, tôi càng thấy thấm thía hơn đối với những lời Thầy.

Tại một kỳ họp toàn thể của Đảng bộ Trường trong một lần khác,  Thầy cũng đã nói những lời tốt đẹp hoan nghênh sự trở về mái trường xưa để giảng dạy và nghiên cứu của tôi. Những lời động viên ấm áp, đúng lúc của Thầy làm tôi xúc động, biết ơn Thầy về sự tận tụy với con người,  với Trường, với nghề, với đồng nghiệp, với học sinh thân yêu thật quý biết bao !

Sinh thời Giáo sư Lê Văn Căn có nói với tôi: “Cụ Trừu nói một câu mà làm mình phải luôn cố gắng Kim ạ. Đó là câu  “Anh Căn thực việc, thầm lặng nhưng hiệu quả”. Khi trực tiếp nghe thầy Dương Thanh Liêm đánh giá kết quả chương trình sắn Việt Nam vượt bao khó khăn khâu nối tốt hợp tác trong và ngoài nước, thầy khen ngợi thực lòng làm ấm lòng biết bao người, Bài báo cáo của Thầy ỏ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, hồn nhiên khen con cá và củ khoai củ sắn, chưa bằng lòng với thành tựu của ngành chăn nuôi, người nghe thấy thầy công tâm biết bao. Tôi nghe thầy phát biểu khen ngợi công việc và sự trở về trường của tôi trước hội nghị toàn thể của Đảng bộ Trường, tôi cũng có cảm giác biết ơn con mắt tri kỹ biết soi thấu những góc khuất kẻ sĩ để khích lệ sự thầm lặng cống hiến.

Thầy Dương Thanh Liêm là tấm gương sáng thanh liêm chính trực

truongtoivathayduongthanhliem

Tận tụy dạy người

Có những người thầy mà nhân cách, sự tận tụy và đức hi sinh cao hơn những trang sách đã học. Thế hệ chúng tôi may mắn được học Thầy.

duongduydong

Chương trình tiên tiến và Chương trình chất lượng cao hướng đến an toàn thực phẩm và quản lý chất lượng (Food Safety and Quality Management), của Khoa Chăn nuôi Thú Y và Công nghệ Thực phẩm Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đang là cơ hội lớn để nâng cao chất lượng giảng viên và mở rộng chất lượng hợp tác.  Tôi thật ngưỡng mộ sự vươn tới  của Bộ Môn Dinh Dưỡng, Khoa Chăn nuôi Thú Y Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Người lãnh đạo ban đầu sau ngày Việt Nam thống nhất là thầy Dương Thanh Liêm Cho đến nay Bộ môn Dinh dưỡng có thật nhiều chuyên gia giỏi trong lĩnh vực này và là một đội ngũ thực sự gắn bó và tận tụy với người. Sự quan tâm chăm sóc lẫn nhau, bảo tồn  kế thừa phát triển thực sự  nhân ái. Giảng viên chính, tiến sĩ Dương Duy Đồng, Trưởng Bộ Môn Dinh Dưỡng, Phó Hiệu Trưởng, PGS. TS. Dương Thanh Liêm (nghỉ hưu), GVC. TS. Ngô Văn Mận (nghỉ hưu), GVC. ThS. Nguyễn Văn Hảo (nghỉ hưu) Tiến sĩ Nguyễn Quang Thiệu, Phó Trưởng Khoa CNTY,  Tiến sĩ Ngô Hồng Phương, BSTY. Nguyễn Thị Phương Dung, ThS. Nguyễn Văn Hiệp, ThS. Lê Minh Hồng Anh, Nguyễn Thị Lộc. Nơi đây có một mạng lưới liên kết chiều sâu rộng khắp với các Viện, Trường, Công ty , Tổ chức, cá nhân trong nước và thế giới.

Trường ĐHNL, Khoa CNTY và Bộ Môn Dinh Dưỡng là nơi sớm có chương trình đào tạo thạc sĩ tiến sĩ từ những năm đầu thập kỷ 1990, điển hình là hai chương trình Đào tạo Thạc sĩ về Hệ thống Chăn nuôi bền vững do SAREC-SIDA tài trợ và chương trình đào tạo Thạc sĩ về Thú y do chính phủ Pháp tài trợ. Dự án đào tạo Thạc sĩ Chăn nuôi Nhiệt đới Bền vững do SIDA tài trợ với sự giúp đỡ của Đại học Thụy Điển và các giáo sư có uy tín trên thế giới đã thực sự đào tạo được đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu ở trình độ cao, nhiều chuyên gia chăn nuôi thú y giỏi Việt Nam và tạo nên sự kết gắn thật tốt của các Viện Trường Công ty và những người chăn nuôi. Trên cơ sở của dự án này Chính phủ Thụy Điển đã tiếp tục tài trợ cho Chương trình MEKARN giai đoạn 1 và 2 kéo dài cho đến nay.

gslevananvagiadinhsannghiencuucungnongdanCác thầy cô chăn nuôi đã tham gia Chương trình Sắn Việt Nam (VNCP) với tính chất cộng đồng thật vui vẻ và tự nguyện, thanh thản và bình tâm, chẳng chút đắn đo, như thầy Dương Thanh Liêm, thầy Lưu Trọng Hiếu, thầy Trần Thế Thông, Thầy Bùi Xuân An,  thầy Lê Văn An (nay là giáo sư Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Huế),TS. Nguyễn Thị Hoa Lý,  PGS.TS Lê Đức Ngoan (nay là phó Hiệu Trưởng Đại học Nông Lâm Huế, chuyên gia chăn nuôi nghiên cứu tiếp nối cụm công trình bột lá  của thầy Dương Thanh Liêm về sử dụng sắn làm thức ăn gia súc)… Quý Thầy dấn thân làm ‘người trong cuộc’, cũng đứng báo cáo, cũng bò ra thảo luận (như thầy Lê Văn An ở hình trên đây) thật hòa đồng, nên mới có sự thấu hiểu sâu sắc đến vậy.. Những kỷ niệm một thời không quên.

Nhiều thầy cô khác như Thầy Mai Văn Quyền, Thầy Ngô Kế Sương, thầy Trương Công Tín, Thầy Nguyễn Văn Luật, cô Nguyễn Thị Sâm , cô Trần Thị Dung, tham gia chương trình với những vị trí đóng góp  thật cảm động và sâu sắc, làm nên sức mạnh cộng đồng. Chặng đường trên 40 năm nhìn lại thật ân tình. Phần lớn quý thầy nay đã nghĩ hưu.

duongthanhliem5
Quyển sách chuyên khảo “Thực phẩm chức năng, sức khỏe bền vững” của Dương Thanh Liêm, Lê Thanh Hải, Vũ Thủy Tiên, 2010, Nhà Xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Hùng Vương TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh, 527 trang (xem online tài liệu tại đây) và hai công trình nghiên cứu khác  “Hợp chất iôt hữu cơ kích thích gia súc tiết sữa, gia cầm đẻ trứng” và “Nuôi dê sữa theo lối công nghiệp” hiện được ứng dụng ở nhiều nơi.

Thăm thầy giáo bệnh’ bài thơ xúc động của anh Hoàng Đại Nhân đã nói hộ cho biết bao tấm lòng sinh viên Đại học Nông Lâm chúng tôi và những người chăn nuôi Việt Nam biết ơn Thầy.

THĂM THẦY GIÁO BỆNH
Thơ Hoàng Đại Nhân

Kính tặng Nhà giáo nhân dân, PGS. TS. Dương Thanh Liêm,
nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh.

Trọn đời gắn với giảng đường
Một đời thanh bạch chẳng vương bụi trần
Bàn chân đi khắp xa gần
Vẫn nguyên cốt cách tảo tần hồn quê

Một đời yêu đến say mê
Những trang giáo án truyền nghề lớp sau
Một đời thận trọng từng câu
Một lời giảng cũng nặng sâu nghĩa tình

Một đời làm việc hết mình
Nâng niu tất cả, riêng mình thì quên
Nỗi buồn, chôn dấu niềm riêng
Niềm vui chia sẻ nhân thêm nghĩa tình

Một đời tình nghĩa phân minh
Thầy trò chia sẻ nghĩa tình cha con.
Tám mươi tuổi, sức hao mòn
Mà trang giáo án vẫn còn trên tay

Cao xanh sao nỡ đặt bày
Gây nên trọng bệnh để thầy đớn đau
Cầu mong cơn bệnh qua mau
Hết mưa lại sáng một bầu trời xanh

Mong thầy bình phục an lành
Cây đại thụ của rừng xanh đại ngàn.

Tôi đồng cảm với anh Hoàng Đại Nhân và thật sự cảm phục thầy Dương Thanh Liêm.

Đức độ hi sinh, thanh liêm chính trực, tận tụy dạy người là ba bài học lớn của thầy Liêm

Hình ảnh này không có thuộc tính alt; tên tập tin này là NLU.jpg

Bài viết mới trên CNM365 Tình yêu cuộc sống
DẠY VÀ HỌC http://hoangkimvn.wordpress.com
CNM365, ngày mới nhất bấm vào đây   cập nhật mỗi ngày

Video yêu thích

Mùa xuân đầu tiên (Văn Cao) -Thanh Thúy
Quê Hương saxophone hay nhất của Trần Mạnh Tuấn
Ban Mai; Chỉ tình yêu ở lại
KimYouTube

Trở về trang chính
Hoàng Kim Long, Ngọc Phương Nam Thung dung Dạy và Học, Việt Nam Học, Cây Lương thực Việt Nam, Tình yêu Cuộc sống, CNM365; Kim on LinkedIn Kim on Facebook Kim on Twitter