Bài ca yêu thương

BÀI CA YÊU THƯƠNG
Hoàng Kim

Thương nước biết ơn bao người ngọc
Vì dân qua bến nhẹ tênh lòng
Nhớ bao tài đức đời thanh thản
Ân tình lưu dấu những dòng sông.

Linh Giang Kỳ Lộ tới Đồng Nai
Mỗi chốn đều ghi chuyện cảm hoài
Đá Bia núi Nhạn vùng huyền thoại
Nam Tiến ân tình thương nhớ ai.

Vì nước đâu nề cảnh biệt ly
Nghìn trùng thăm thẳm buổi ra đi
Thanh Lương an tĩnh hiền thoát tục
Lương Chánh thanh nhàn đức từ bi

Chí thiện cha nêu gương trung hiếu
Yêu thương người chấp mọi thị phi
Chuông chùa vang vọng niềm an lạc
Sông núi trời Nam mãi mãi ghi.

Trúc Lâm thăm thẳm đức Hoàng Thành
A Na bà chúa Ngọc Phương Nam
Đất phú trời yên người hạnh phúc
Hồn Việt đường vui tới cõi hiền.

Huyền Trân công chúa Đại Việt kết duyên với vua Chế Mân Chiêm Thành nhiều người cho rằng đó là mưu lược chính trị nhờ vậy mà Đại Việt thêm được hai châu Ô Lý. Sự thật đó là một liên minh của dân tộc Việt mà nếu không thành thì hai nước khó có thể tồn tại. Chế Mân là vị vua Chiêm Thành trong hoàn cảnh đất nước bị đế quốc Angkor sát nách luôn muốn thôn tính và vó ngựa quân Nguyên Mông đang thần tốc tràn xuống phương Nam. Ông đã bỏ qua vinh nhục bản thân nhiều lần tỏ lòng thành liên kết với Đại Việt bằng cách dâng lễ vật là hai châu Ô Lý để xin cầu hôn với Huyền Trân công chúa con vua Trần Nhân Tông. Hai châu Ô Lý thực chất là chiến phí cho công cuộc liên kết kháng chiến chống kẻ địch mạnh đến cướp đất cướp dân, trả ơn cho Đại Việt đã hai lần gánh chịu tổn thất nặng nề làm tiền phương chống trả quân Nguyên Mông, cản đường của kẻ đã lấy cớ mượn đường Đại Việt để đánh Chiêm Thành.

Chế Mân là vị vua anh minh ưu tú xứng đáng và thực lòng yêu thương Huyền Trân. Các vị vương mưu lược tài năng và các danh thần triều Trần hiểu rõ vận nước và sự chân thành đó của ông nên mới tán đồng cuộc hôn nhân, khi công chúa Huyền Trân đã bén duyên Trần Khắc Chung và mang ơn cứu mạng của chàng đối với cả cha và con trong trận chiến đẫm máu mà hai vua Trần và Huyền Trân xuýt bị giết. Thiết tưởng việc dành sự trong trắng của một cô gái đang độ xuân thì phải lìa bỏ người yêu để dấn thân cứu nạn nước và thực tâm yêu người khác làm chồng đó là một sự hi sinh lớn lao. Hậu thế cần một đánh giá công bằng đối với Chế Mân và Huyền Trân để thấu hiểu trọn vẹn những uẩn khúc sau này lúc Huyền Trân đi tu, thực thấu hiểu cuộc tình duyên nổi tiếng này trong lịch sử.

Tác giả Sao Khuê trong bài “Cảm nhận Huyền Trân” đã cho rằng: “Công chúa Huyền Trân là người đoan chính, chuyện bà tư thông với danh tướng Trần Khắc Chung là vô lý. Có năm lý do để Sao Khuê tin như thế, vì:

1) Trần Nhân Tông là một vị vua lỗi lạc từng lập kỳ tích chiến thắng quân Nguyên 2 lần. Sau đó khi còn rất trẻ đã từ bỏ danh lợi, thoái vị trao ngai vàng lại cho con mà xuất gia quy y Phật pháp, trở thành tôn sư sáng lập một Thiền phái Phật giáo. “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” – Có người cha anh hùng xuất chúng như thế thì Công chúa Huyền Trân khó thể là đứa con hư hỏng làm ô danh hoàng tộc.

2) Trần Khắc Chung là công thần qua mấy đời vua. Làm quan đến chức Nhập Nội Hành Khiển, Thượng Thư Tả Bộc Xạ (tương đương Tể Tướng). Công lao to tát đến độ được vua cho đổi sang quốc tính (họ Trần) – Xét về tuổi tác, luận về danh tiếng, đức độ…thì không lý gì ông lại làm ra chuyện xấu xa cùng Công chúa Huyền Trân để thân bại danh liệt.

3) Trên chuyến vượt thoát về Đại Việt ngoài Trần Khắc Chung còn có nhiều người khác (như An phủ sứ Đặng Vân và quân lính tùy tùng…) chứ không chỉ có Trần Khắc Chung và Công chúa Huyền Trân hai người…

4) Nếu là chuyện xấu xa thì tại sao những vị Vương Tướng cương trực cùng thời với Trần Khắc Chung (như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, …) không ai có thái độ gì?

5) Ngoài ra, còn bởi một lẽ riêng tư (mà Sao Khuê cho là rất quan trọng): Khi trốn khỏi Chiêm Thành thì hoàng tử Chế Đa Đa do Công chúa Huyền Trân hạ sinh mới vừa được mấy tháng tuổi không thể mang theo cùng! Lúc đó bà chẳng những là một người vợ vừa mất chồng mà còn là một người mẹ phải đoạn lìa núm ruột của mình. Sao Khuê cùng phận nữ, vô cùng cảm thương cho Công chúa Huyền Trân nên có thơ

CẢM PHẬN HUYỀN TRÂN

Ô, Rí năm nào đổi biệt ly
Huyền Trân Công Chúa bước vu qui
Ba sinh chưa vẹn đà tan tác
Hương lửa đang nồng vội thảm bi!
Đại Việt cướp người thuyền vượt lướt
Chiêm Thành ôm hận ngựa cuồng phi
Kiên trinh há thẹn dòng Long Phụng
Trung Đẳng (*) lòng son sử sách ghi!

(*) Sau này Công chúa Huyền Trân chẳng những được dân chúng lập miếu thờ phượng vì linh ứng, mà còn được nhiều đời vua xưng tụng là Thần hộ quốc. Vào năm Khải Định thứ chín đã chính thức sắc phong bà là “Trai Tĩnh Trung Đẳng thần”.

Hoàng Kim có “bài thơ yêu thương” họa vần”Cảm phận Huyền Trân”. Huyền Trân mang ơn cứu mạng của Lê Phụ Trần xả thân cứu cha và con trong cuộc chiến đẫm máu nhưng vẫn chấp nhận gác tình riêng vì NƯỚC NON NGÀN DẶM RA ĐI. Có Cha ấy và có Con ấy, dân tộc Việt thật là hồng phúc ! Tôi tâm đắc với câu trả lời của GS Trần Văn Giàu trước câu hỏi “Chúng ta có nên đề cập đến vấn đề châu Ô châu Rí không? GS. Trần Văn Giàu đã trả lời: “Có lúc nói, có lúc không. Chúng ta dựa vào lịch sử để nói, nhưng chúng ta không nên đi quá nhiều về lịch sử, bây giờ thì không cần nói vấn đề đó. Qua lịch sử, chúng ta nói về những vấn đề vượt lên trên lịch sử. Qua lịch sử ta nói đến con người, nhân cách của Người. Từ nhân cách ấy, cho ta thấy nhân cách của một dân tộc. Một đất nước sản sinh ra được một con người có một không hai trên thế giới, thử hỏi đất nước ấy và dân tộc ấy có đặc biệt hay không?”

Giáo sư Tôn Thất Trình đã nhận xét thật sâu sắc và chí lý, đại ý: Văn học Việt Nam hội nhập toàn cầu thiếu những tác phẩm lớn đích thực như “Chiến tranh và Hòa bình” của Lev Tonstoy để xây dựng nên hình tượng Natasa bản tính Nga, chứ huyền sử Việt không thiếu những biểu tượng cảm động như Huyền Trân công chúa và đất phương Nam. Chúng ta chưa đủ tầm để thấu hiểu lịch sử văn hóa Việt đó thôi”.

Thu Bồn có bài thơ “Tạm biệt Huế” dữ dội và cảm động in trong “Một trăm bài thơ tình chưa kịp đặt tên” phảng phất huyền sử mối tình say đắm và quyết liệt của Chế Mân – Huyền Trân với sự hi sinh thầm lặng cao cả của bốn nhân vật huyền thoại Trần Nhân Tông – Chế Mân- Huyền Trân- Lê Phụ Trần, bừng sáng bình minh Yên Tử.

TẠM BIỆT HUẾ
Thu Bồn

bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ
nên chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu
những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng
mặt trời vàng và mắt em nâu

xin chào Huế một lần anh đến
để ngàn lần anh nhớ hư vô
em rất thực nắng thì mờ ảo
xin đừng lầm em với cố đô

áo trắng hỡi thuở tìm em không thấy
nắng minh mang mấy nhịp Tràng Tiền
nón rất Huế mà đời không phải thế
mặt trời lên từ phía nón em nghiêng

nhịp cầu cong và con đường thẳng
một đời anh đi mãi chẳng về đâu
con sông dùng dằng con sông không chảy
sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu

tạm biệt Huế với em là vĩnh biệt
Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya
tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng
anh trở về hoá đá phía bên kia.

Huế 1980

Huế xưa và nay là nơi lưu dấu đức hi sinh cao cả vì nước của cha con vua Phật Trần Nhân Tông và công chúa Huyền Trân. Đền thờ công chúa Huyền Trân trong không gian Trung tâm Văn hóa Huyền Trân có không gian rộng 28 ha tọa lạc tại 151 đường Thiên Thai, phường An Tây, chân núi Ngũ Phong, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 7 km. “núi không cần cao, có tiên ắt thiêng. Sông không cần sâu, rồng chầu thành nổi tiếng”… Đến cố đô Huế, tôi dạo chơi cùng Trần Văn Minh người bạn thân thuở nhỏ nay là giáo sư tiến sĩ nhà giáo nhân dân nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm Huế. Chúng tôi cùng thành kính ngưỡng mộ đức Nhân Tông và Huyền Trân Công Chúa, cùng lắng nghe thông xanh đàn Nam Giao trò chuyện và lắng nghe tiếng chuông hòa bình mờ tỏ trong mây trên đỉnh tháp núi Ngũ Phong của vùng Trung tâm Văn hóa Huyền Trân. Đây là nơi giao hòa Trời Đất và hương linh các bậc Thầy, những người con trung hiếu tận tụy hi sinh hết lòng vì Nước vì Dân. Tôi đã cảm khái viết bài thơ nhớ Thầy Nguyễn Khoa Tịnh:

THẦY ƠI
Hoàng Kim

Thầy ơi, em nặng lòng với Huế
Mừng duyên lành con em xe về miền Trung
Nơi LỘC Khê Hầu NGUYÊN vẹn công nghìn năm mở cõi
Với dòng sông Hương soi bóng núi Ngự Bình.

Huế là cố đô Nhà Nguyễn trãi mười đời chúa mười ba đời vua, từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ vùng Thuận Hóa năm 1558, cai quản xứ Đàng Trong sáng lập và tạo dựng mười đời chúa Nguyễn trong hơn 2 thế kỷ và chỉ chấm dứt sau khi nhà Tây Sơn nổi dậy và đánh đổ cả hai tập đoàn Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn vào cuối thế kỷ 18. Nhà Nguyễn được tiếp nối khi nhà Tây Sơn sụp đổ, vua Gia Long lên ngôi năm 1802 và chấm dứt triều Nguyễn khi hoàng đế Bảo Đại thoái vị vào năm 1945, với 143 năm.

Thầy Nguyễn Khoa Tịnh thông xanh núi Huế là người thầy dạy nhân cách và lịch sử, khai sáng thế hệ chúng tôi. Tôi đã viết bài ‘Thầy bạn là lộc xuân cuộc đời‘ để tỏ lòng tri ân sâu nặng đối với người Thầy lớn và những thầy bạn mà tôi không thể có được ngày hôm nay nếu thiếu sự động viên, giúp đỡ này: “Em đã học nhiều gương sáng danh nhân. Hãy biết nhục, biết hèn mà lập chí. Thắp đèn lên đi em, ngọn đèn dầu bền bỉ. Sáng giữa đời lấp lánh một niềm tin”.

Dân Việt đi như dòng sông về biển. Gia đình tôi cũng đi theo con đường Nam Tiến của dân tộc, từ Linh Giang dòng sông quê hương đến bao dòng sông thao thiết chảy. Chúng tôi đã đi từ Sông Thương, Sông Hồng, Sông Lam, Sông Nhật Lệ, Sông Thu Bồn, đến Sông Tiền, Sông Hậu, … từ Mekong nhớ Neva, Từ Sông Hương, Kỳ Lộ tới Đồng Nai… Những con sông tắm mát đời người.

Huyền Trân, Ngọc Khoa, Ngọc Vạn là ba người Mẹ Việt đã chịu điều tiếng thị phi để tạo dựng cơ nghiệp muôn đời cho dân tộc Việt. Huyền Trân công chúa là con gái của vua Trần Nhân Tông đã vì “nước non ngàn dặm ra đi” kết duyên vợ chồng với vua Chế Mân đất phương Nam. Hai công nữ Ngọc Vạn và Ngọc Khoa là con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã được chúa Nguyễn gả cho vua Chiêm Thành và vua Cao Miên “dùng chính sách hoà bình, thân thiện để kết hòa hiếu”. Năm 1620, Chúa Sãi gả Công Nữ Ngọc Vạn cho vua Cao Miên là Chư Chetta II (1618-1686) nên dân Việt đã vào làm ăn sinh sống thuận lợi tại vùng sông Đồng Nai Cù Lao Phố Biên Hòa ngày nay, thuộc đất Thủy Chân Lạp của Cao Miên. Năm 1631, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên cũng lại gả Công Nữ Ngọc Khoa cho Vua Chiêm Thành Pô Romê. Dân Việt đã vào sinh cơ lập nghiệp ở kinh đô Chiêm Thành thời ấy tại ven sông Kỳ Lộ thuộc huyện Đồng Xuân, Tuy An ngày nay. Sông Kỳ Lộ dài 120 km, bắt nguồn từ vùng núi La Hiên cao trên 1000 m, vùng giáp ranh giữa Bình Định và Gia Lai, chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam đổ ra cửa biển Tiên Châu ở Tuy An (Phú Yên), với một phân lưu đổ vào Đầm Ô Loan, nhờ vậy mà hai dân tộc Chiêm-Việt có được sự hoà hiếu” (Theo Nguyễn Phúc tộc Thế phả xuất bản ở Huế 1995).

Tôi lưu một ghi chép nhỏ “Bài ca yêu thương” “Sông Hương, Kỳ Lộ tới Đồng Nai” để thỉnh thoảng quay lại.

Cuối một dòng sông là cửa biển.

Hoàng Kim

Trở về trang chính
Hoàng Kim  Ngọc Phương Nam  Thung dung  Dạy và học  CNM365 Tình yêu cuộc sống Cây Lương thực  Dạy và Học  Kim on LinkedIn KimYouTube Kim on Facebook Kim on Twitter