Đặng Dung thơ Cảm hoài

ĐẶNG DUNG THƠ CẢM HOÀI
Hoàng Kim

Nhà Minh Trung Quốc vin cớ “hưng Trần, cầm Hồ” đem 20 vạn quân đánh chiếm Đại Việt lần 1 và 80 vạn quân lần 2 do Trương Phụ, Mộc Thạnh sang chiếm Đại Việt để biến thành quận huyện của Trung Hoa. Trần Ngỗi là con thứ của vua Trần Nghệ Tông dấy binh nổi lên chống lại quân Minh để khôi phục nhà Trần, tháng 10 năm 1407 lên ngôi vua xưng là Giản Định Đế. Đại tri châu Đặng Tất kéo quân đến hợp lực được phong làm Quốc Công. Đặng Tất phá được tri phủ giặc là Đặng Thế Căng ở cửa biển Nhật Lệ và đánh chiếm núi An Đại Lệ Thủy tháng 6 năm 1408. Sau đó lại đại phá quân Minh ở trận Bồ Cô tháng 12 năm 1408, nhưng vua tin lời gièm của bọn hoạn quan nên đã giết Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Đặng Dung là con của Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Dị là con của Nguyễn Cảnh Chân tuy căm phẩn vì cha không có tội mà bị giết nhưng không vì thù nhà mà bỏ việc nước. Hai người tìm minh chủ khác là Trần Quý Khoáng đón lên làm vua và tiếp tục chống quân Minh. Đặng Dung thơ “Cảm hoài” là kiệt tác nói về nỗi lòng của bậc anh hùng trước thế sự buổi ấy

CẢM HOÀI
Đặng Dung

Việc đời bối rối tuổi già vay,
Trời đất vô cùng một cuộc say.
Bần tiện gặp thời lên cũng dễ,
Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay.
Vai khiêng trái đất mong phò chúa,
Giáp gột sông trời khó vạch mây.
Thù trả chưa xong đầu đã bạc,
Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày.

Bản dịch Phan Kế Bính Sách Văn đàn bảo giám (NXB Văn học, 2004) ghi người dịch là Trần Trọng Kim.
Nguồn:
1. Phan Kế Bính, “Đại Nam nhất thống chí”, Đông Dương tạp chí, số 116
2. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, NXB Tân Việt, 1951
3. Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, Trung tâm học liệu xuất bản, 1968

Nguyên tác:








Cảm hoài [Thuật hoài]

Thế sự du du nại lão hà,
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chúa hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.

Nguyễn Biểu ‘cỗ đầu người’ là hào khí Đông A, chuyện bi tráng tiếp nối.

Nguyễn Biểu người làng Nội Diên, xã Bình Hồ, huyện La Giang, sau đổi thành La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, thi đỗ Thái Học Sinh (Tiến Sĩ) khoảng năm 1357 cuối đời nhà Trần, làm quan đến chức Điện Tiền Đô Ngự Sử, cùng thời với Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị.

Khi quân Minh của Trương Phụ xâm chiếm nước ta, ông theo vua Trùng Quang mưu sự khởi nghĩa, khôi phục nhà Hậu Trần. Nhà Hậu Trần thất cơ, binh bại, sai Nguyễn Biểu đi sứ, gặp Trương Phụ xin cầu phong, cốt thực hiện kế hoãn binh, kéo dài thời gian để cho Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị xây dựng binh lực. Tướng Minh Trương Phụ tiếp sứ thần rất khinh bạc, ngạo mạn, sai quân dọn ra một mâm cỗ chỉ có một cái đầu người luộc chín, ép Nguyễn Biểu ăn, cốt để thị oai. Nguyễn Biểu ung dung ngồi vào mâm, nói rằng: “Mấy thuở được ăn thịt người phương Bắc (người Tàu)!”, nói đoạn, lấy đũa khoét đôi mắt, chấm muối ăn. Vừa ăn, vừa ngâm bài thơ Cỗ đầu người khiến Trương Phụ cũng phải kính phục, toan tha cho ông về. Hàng tướng là Phan Liêu lúc ấy ton hót với Phụ rằng Nguyễn Biểu nói: “Năng sảm nhân đầu, năng sảm Phụ” (có khả năng nuốt được cỗ đầu người, tất cũng có khả năng nuốt tươi được Trương Phụ). Trương Phụ giận lắm, đưa câu ấy ra bắt ông phải đối lại. Đối được mới cho về, không đối được thì chém. Nguyễn Biểu ung dung đối lại rằng: “Hựu tồn ngô thiệt, hựu tồn Trần” (còn ba tấc lưỡi của ta, nhà Trần vẫn còn!). Trương Phụ giận lắm, đổi ý không tha nữa, lại sai cắt lưỡi của ông:

-Thử xem cắt lưỡi nó đi, nhà Trần có còn được nữa hay không???

Kế đó, Phụ sai trói ông vào chân cầu, để cho nước thuỷ triều lên cao dìm chết. Tấm gương anh hùng của Nguyễn Biểu còn chói lọi mãi đến ngàn thu. Cái chết của Nguyễn Biểu thật đau thương, nhưng oai phong của ông khiến người Minh phải khiếp đảm. Uy vũ ấy tồn tại mãi cùng thanh sử vậy.

Cỗ đầu người
Ngọc thiện trân tu đã đủ mùi
Gia hào thêm có cỗ đầu người
Nem công chả phượng còn thua béo
Thịt gấu gan lân hẳn kém tươi
Cá lối lộc minh so có một
Vật bầy thỏ thủ bội hơn mười
Kìa kìa ngon ngọt tày vai lợn
Tráng sĩ như Phàn tiếng để đời!

Hậu Trần trong sử Việt, một bài học sâu sắc.

xem tiếp : Nhà Trần trong sử Việt https://hoangkimlong.wordpress.com/category/nha-tran-trong-su-viet/

Bài viết mới trên CNM365 Tình yêu cuộc sống
DẠY VÀ HỌC http://hoangkimvn.wordpress.com
CNM365, ngày mới nhất bấm vào đây cập nhật mỗi ngày

Video yêu thích
Nong Lam University
Secret Garden, Bí mật vườn thiêng 
KimYouTube

Trở về trang chính
Hoàng Kim Long, Ngọc Phương Nam, Thung dung, Dạy và Học, Việt Nam Học, Cây Lương thực Việt Nam, Tình yêu Cuộc sống, CNM365; Kim on LinkedIn, Kim on Facebook, Kim on Twitter