Kênh ông Kiệt giữa lòng dân

KenhVoVanKiet

KÊNH ÔNG KIỆT GIỮA LÒNG DÂN
Hoàng Kim

Thơ cho em giữa tháng năm này
Là lời người dân nói vể kênh ông Kiệt
Là con kênh xanh mang dòng nước mát
Làm ngọt ruộng đồng Tứ giác Long Xuyên

Con kênh T5 thoát lũ xả phèn
Dẫn nước ngọt về vùng quê nghèo khó
Tri Tôn, Tịnh Biên trong mùa mưa lũ
Giữa hoang hóa, sình lầy, thấm hiểu lòng dân

Nguyễn Công Trứ xưa khẩn hoang đất dinh điền
Thoại Ngọc Hầu mở mang kênh Vĩnh Tế
Kênh ông Kiệt giữa lòng dân bền bỉ
Ân nghĩa cuộc đời lưu dấu nghìn năm

Em ơi khi nuôi dạy con
Hãy dạy những điều vì dân, vì nước
Người ta sinh ra cho đến khi nhắm mắt
Đọng lại trong nhau vẫn chỉ những CON NGƯỜI.

ÔNG SÁU KIỆT VĨNH LONG

“Vẫn là Thủ tướng của nhân dân / Vẫn là anh Sáu mọi gia đình/ Lồng lộng bóng soi miền sông nước/ Đời nặng ân tình, đất nặng chân”
. ông Bảy Nhị, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang có những câu thơ cảm khái khóc tiễn cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt thật cảm động (kênh Võ Văn Kiệt, ảnh Thanh Dũng). Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang khóa VII,  một năm sau khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ trần, đã Quyết nghị đặt tên công trình kênh T5 là kênh Võ Văn Kiệt và đặt bia lưu niệm tại đầu kênh để ghi nhớ công lao của cố Thủ tướng với hệ thống kênh huyết mạch, tháo chua, rửa phèn, mở mang vùng đất hoang hóa của khu vực Tứ giác Long Xuyên.

Báo An Giang, báo Trường Đại học An Giang đã đăng bài Kênh “ông Kiệt” tắm mát đồng bằng của tác giả Bảo Trị và Thành Chinh. Báo Đất Việt đăng bài Kênh ông Kiệt của tác giả Võ Ngọcvà Bảo Châu. Báo Tuổi Trẻ đăng loạt bài Từ kênh Vĩnh Tế đến kênh Võ Văn Kiệt của tác giả Quốc Việt. Kỳ 1: Hào lũy đất phương Nam ; Kỳ 2: Trấn giữ biên giới ; Kỳ 3: Thương hồ Vĩnh Tế ; Kỳ 4: Dấu chân lấm bùn của ông Sáu Dân; Kỳ 5: Đào kênh T5. Tôi đã viết bài thơ ‘Kênh ông Kiệt giữa lòng dân’ với lòng tri âm việc ông làm kênh cho Dân với lòng biết ơn sâu sắc.

Sớm nay khi viết bài này PGS TS Phan Thanh Kiếm, người bạn học Trồng trọt 4 cùng tôi thuở xưa ở Trường Đại học Nông nghiệp 2 Hà Bắc (tiền thân của Đại học Nông Lâm Huế và Đại học Bắc Giang sau này) đã nhắn: “Viết dài, đọc chóng mặt”. Anh Đức Thuấn cũng nhắn: “Không đủ kiên nhẫn và không đủ thời gian để đọc quá dài”. Tôi đã trả lời hai anh: “Cảm ơn hai anh. Mình biết vậy nhưng mình có chủ ý bảo tồn tinh hoa lắng đọng. Anh đọc hai ba dòng đầu thôi anh, nếu anh thích thì đọc sâu thông tin chọn lọc ở dưới. Điều tổng quát mình đã đưa lên đầu trang rồi, và chi tiết bài viết đều có đường link cả. Ai không thích đọc dài, không quan tâm chủ đề ấy, hoặc không có thì giờ, thì thôi không đọc tiếp bài viết nữa, mà chỉ nên xem qua ít dòng thông tin khởi đầu thôi. Hoàng Kim bảo tồn và phát triển CNM365 có chủ đích, đã viết và liên tục trở lại bổ sung 15 năm nay. Kính anh an nhiên vui khỏe. Ví dụ như bài “Kênh ông Kiệt giữa lòng dân” này, với mình là một ký ức sâu năng không thể nào quên, vì sự tâm đắc này từ những người như ông Sáu Dân, ông Bảy Nhị mà mình đã thấm thía trãi nghiệm 9 năm đi về Miền Tây thương và An Giang, Sóc Trăng,…”.

Kênh Vĩnh Tế và Kênh Võ Văn Kiệt là hai công trình sống mãi trong lòng dân.

Kênh Vĩnh Tế dài gần 100km chạy dọc biên giới hai tỉnh An Giang, Kiên Giang với vương quốc Campuchia. Kênh do Thượng đạo Khâm sai, trấn thủ Vĩnh Thanh Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại chỉ huy hơn 80.000 dân binh đào ròng rã 5 năm liền (1819-1824). Sau khi hoàn thành, vua Minh Mạng đã lấy tên bà Châu Thị Vĩnh Tế, vợ của Thoại Ngọc Hầu, đặt tên cho con kênh này là kênh Vĩnh Tế. Thượng nguồn con kênh tiếp dòng sông Hậu ở thị xã Châu Đốc, hạ nguồn nhập sông Giang Thành ở Hà Tiên để ra biển Tây. Kênh Vĩnh Tế hiện rộng khoảng 40-70m, sâu 3-4m so với mực nước biển tùy từng đoạn. Kênh Vĩnh Tế là tuyến thủy lộ, tuyến kênh biên giới đặc biệt quan trọng mở mang vùng đất Tây Nam Bộ mang tầm vóc của một công trình chiến lược nhất thế kỷ 19 hào lũy đất phương Nam,khẳng định chủ quyền lãnh thổ, mở mang vùng đất mới.

Kênh Võ Văn Kiệt (kênh T5) dài 48km, rộng 30-36m và sâu 3m, thông kênh Vĩnh Tế ở Tri Tôn, An Giang, chảy qua Hòn Đất, Kiên Giang rồi đổ ra vịnh Thái Lan. Đây là một cụm “công trình thủy lợi cấp bách” mang dấn ấn Thủ tướng Võ Văn Kiệt, “bác Sáu Dân” nhằm “thoát lũ biển Tây” ngọt hóa vùng đất năng lác hoang hóa sình lầy của hai tỉnh An Giang, Kiên Giang biến thành đất sản xuất nông nghiệp…. Ông Bảy Nhị đã chia sẻ: “Thời điểm trước năm 1997 (trước khi tuyến kênh T5 hoàn thành) cứ dạo lũ về là các cấp, các ngành lo ngai ngái. Lũ về là những vùng trũng, đầu nguồn lại phải lo cảnh sơ tán dân, cứu đói, cắt lúa chạy lũ. Từ khi hệ thống kênh mương cấp 2, 3 hoàn thành theo Quyết định 99/TTg như: Nạo vét kênh Tám Ngàn, H7, các kênh 5, 13, 16… , phần nào lũ đã khống chế. Tuy vậy, những vùng như Tứ giác Long Xuyên, cảnh lũ trắng đồng vẫn là nỗi lo lớn, buộc những người lãnh đạo phải bàn quyết sách tháo gỡ vấn đề”. “Tứ giác Long Xuyên, vùng đất trũng phèn có diện tích gần 500.000 ha đất nông nghiệp vẫn còn hoang hóa nhiễm phèn, trong đó An Giang chiếm diện tích khá lớn chính là vùng đất chúng ta bỏ quên bấy lâu nay chưa khai phá. Đất không phụ người, chỉ sợ người phụ đất mà thôi”.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong chuyến về thăm và làm việc tại An Giang trong hai ngày 21, 22-7-1996, đã đi thị sát cánh đồng Lạc Quới, kênh mương nội đồng vùng Tứ giác Long Xuyên. Thủ tướng đã chỉ thị: “Đề án quy hoạch thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên cần nhanh chóng thực hiện vì nó sẽ giúp khu vực sử dụng được nguồn phù sa vô giá của lũ sông Cửu Long, chính nó sẽ đảm đương việc thoát lũ, rửa phèn khai phá đất nông nghiệp cho vùng Tứ giác Long Xuyên. Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thủy lợi, Bộ Khoa học-Công nghệ và Môi trường cần nhanh chóng phối hợp lập kế hoạch xây dựng tuyến kênh thoát lũ ra Vịnh Thái Lan“.

Sau việc đào xong kênh T6, đưa nước từ Vĩnh Tế qua kênh Mới về biển Hà Tiên vào năm 1996. Đầu năm 1997, công trình chống lũ cấp bách kênh T5 – Tuần Thống, Luỳnh Quỳnh, Tân Thành – Lò Gạch, tuyến đê bờ nam Vĩnh Tế; hệ thống cống ngăn, xả lũ và 2 đập điều chỉnh lũ Tha La, Trà Sư; các cống ngăn mặn giữ ngọt thoát lũ ven biển… đã được cấp bách xây dựng theo Quyết định 159/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hàng loạt công trình thủy lợi phục vụ dẫn ngọt, tiêu chua, tiêu úng, xổ phèn, ngăn mặn và hàng vạn cây số bờ bao bảo vệ lúa hè thu được xây dựng đã góp phần quyết định vào việc phát triển nông nghiệp và các ngành kinh tế khác trong vùng. Trong đó, kênh T5 có ý nghĩa chiến lược, được khởi công giữa quý I đến cuối tháng 8-1997 là hoàn thành. Đây là công trình thủy lợi hoàn thành nhanh nhất trong lịch sử đào kênh ở Việt Nam. Ngày mùng 8 Tết Mậu Dần 1998 (nhằm ngày 4-2-1998), 50.000 ha đất hai tỉnh An Giang, Kiên Giang được ngọt hóa. Ngày mùng 9 Tết Mậu Dần khởi công nạo vét kênh Vĩnh Tế, điều tiết lũ cùng dòng Võ Văn Kiệt thoát lũ ra biển Tây. Chọn bờ Nam song song tuyến kênh hình thành những tuyến dân cư vượt lũ trên toàn tuyến. Đây là đại công trình thủy lợi gồm hệ thống các kênh T4, T5, T6 thoát lũ, dẫn ngọt, tháo chua, rửa phèn, khai hoang, phục hóa hàng trăm ngàn ha đất .

Những năm sau, cụm từ “lũ đẹp” bắt đầu xuất hiện và định nghĩa “sống chung với lũ “cũng từ đó hình thành, Từ một công trình thủy lợi đã mở mang diện tích sản xuất, giảm thiểu ngập lũ. Ổn định vững chắc hai vụ sản xuất đông xuân và hè thu; giảm thấp mức lũ chính vụ, tạo điều kiện phát triển sản xuất, giảm chi phí xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở, giảm thiệt hại về người và của mùa lũ về. Từ đó, tạo thế đưa nước ngọt giàu phù sa từ sông Hậu vào kết hợp ngăn mặn, giữ ngọt, tháo chua rửa phèn, cải tạo đất sản xuất nông nghiệp, cải tạo môi trường nước, vệ sinh đồng ruộng phục vụ phát triển sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Tất cả đã được kênh T5 đảm trách hiệu quả.

Tri Tôn, Tịnh Biên là những huyện khó khăn của tỉnh An Giang. Hệ thống thủy lợi nội đồng nối với “Kênh ông Kiệt” đã mang nguồn nước ngọt về ruộng. Bạn xem chùm ảnh cũ trong blog của tôi để rõ hơn cách làm. Giống lúa KĐM105 ngon cơm sinh trưởng phát triển tốt trên vùng đất hoang hóa được tưới đã mang lại niềm vui cho người nghèo. Các giống cây màu rau đậu trồng vụ khô sau khi thu hoạch lúa đã giúp nâng cao đời sống người dân. Khoa học kỹ thuật bám dân, bám ruộng, âm thầm nhưng hiệu quả làm đổi thay vùng Tri Tôn Tịnh Biên. Tôi đã có chín năm gắn bó với mảnh đất này. Đi đâu người dân cũng khen ông Sáu Kiệt và ôngBbảy Nhị. Kênh ông Kiệt giữa lòng dân. Vùng đất hoang hóa sình lầy nay đã thành vựa lúa. Tỉnh An Giang nay đã thành vùng lúa sản lượng cao nhất nước.

BayNhi

ÔNG BẢY NHỊ AN GIANG

Ông Bảy Nhị tên thật là Nguyễn Minh Nhị, nguyên chủ tịch tỉnh An Giang (hình Ông Nguyễn Minh Nhị  bên phải  cùng anh Ngô Vi Nghĩa với các giống mì KM94 (KU50)  và KM98-1 (KU72), KM98-5, KM140 ngắn ngày trên ruộng tăng vụ, Sắn Việt và sắn Thái như bóng đá Việt và bóng đá Thái ngang ngữa nhau từ thuở này). Ông Bảy Nhị có nhiều bài viết được dân rất ưa nghe và dư luận quan tâm vì thiết thực, thật hay và thẳng băng sự thật, như các bài viết “Giá lúa nằm ngoài hạt gạo”, “Gửi anh Nguyễn Bá Thanh: Phút 89…”,  …

Bạn xuống An Giang hỏi ông Bảy Nhị chủ tịch tỉnh ai cũng biết. Tôi gọi trõng tên ông biết là không phải nhưng với tôi thì ông tuy còn khỏe và đang sống sờ sờ mà ông đã là người lịch sử, tựa như Mạc Cữu, Mạc Thiên Tích xưa, oai chấn Hà Tiên, góp sức mộ dân mở cõi, làm phên dậu đất phương Nam của dân tộc Việt. Ông Bảy là nhân vật lịch sử trong lòng tôi.

Tôi có một kỷ niệm quí rất khó quên. Ông Bảy Nhị ba lần lên Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc tìm tôi khi đó làm Giám đốc Trung tâm. Ông tham khảo ý kiếm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai hoang phục hóa hiệu quả cho vùng đất phèn mặn ngập năn lác của hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên. Ông đồng tình với tôi việc ứng dụng canh tác giống lúa thơm Khao Dawk Mali 105 (KDM 105) nhưng trồng cây gì luân canh lúa hiệu quả trong các tháng mùa khô thì đó vẫn là bài toán khó?

Mờ sớm một ngày đầu tháng mười một. Trời se lạnh. Nhà tôi có chim về làm tổ. Buổi khuya, tôi mơ hồ nghe chim khách líu ríu lạ trên cây me góc vườn nên thức dậy. Tôi bước ra sân thì thấy một chiếc xe ô tô đậu và cậu lái xe đang ngủ nướng. Khi tôi ra, cậu lái xe thức dậy nói: “Chú Bảy Nhị, chủ tịch tỉnh An Giang lên thăm anh nhờ tuyển chọn giống mì ngắn ngày để giúp An Giang né lũ. Đợt trước chú đã đi cùng chú Tùng (là ông Lê Minh Tùng sau này làm Phó Chủ Tịch Tỉnh, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang) lên làm việc với anh rồi. Nay mì đã được năm tháng tuổi, chú muốn lên coi kỹ ở trên ruộng xem củ to bằng ngần nào. Chú Bảy giờ hành chính bận họp nên thăm sớm. Đến nhà anh, thấy sớm quá chú ngại nên ra thẳng ngoài đồng rồi, nhờ tui đón anh ra sau”.

Tôi giật mình nghĩ: “Cái ông này không thể xạo được. Mình nói là có giống mì bảy tháng. Năm tháng ông lên kiểm tra đồng ruộng nhổ thử, thiệt chu đáo. Ông thật biết cách kiểm tra sâu sát”. Chợt dưng tôi nhớ đến MỘT LỐI ĐI RIÊNG của Bác Hồ trong thơ Hải Như: “ Chúng ta thích đón đưa/ Bác Hồ không thích/ Đến thăm chúng ta Bác Hồ thường “đột kích”/ Chữ “đột kích” vui này Người nói lại cùng ta/ Và đường quen thuộc/ Bác chẳng đi đâu/ Đường quen thuộc thường xa/ Bác hiện đến bằng lối tự tìm ra:/ Ngắn nhất/ Bác không muốn giẫm lên mọi đường mòn có sẵn/ Khi đích đã nhắm rồi/ Người luôn luôn tạo cho mình:/ Một lối đi riêng”. Sau này hiếm có đồng chí lãnh đạo nào học được cách làm như Bác. Họ đi đâu đều thường xếp lịch hành chính và đưa đón đàng hoàng, chẳng cần một lối đi riêng. Tôi thầm chợt cảm phục ông Bảy.

Ông Nguyễn Minh Nhị có mấy bài viết hay gửi ông Nguyễn Bá Thanh, tình cảm của họ thật chân thành và cảm động. Sự chân thành thân thiết  theo tôi chẳng cần lời bình luận nào thêm mà chỉ cần ghi lại. Sau này, người thì về hưu, người thì ngã ngựa , nhưng đó lại là một câu chuyện khác, dài hơn và thâm trầm hơn. Tôi trầm tư trước câu hỏi: Làm thế nào để tháo gỡ “những vật cản không dễ vượt qua”. Tôi tâm đắc với lời Bác Giáp suốt đời học Bác Hồ “dĩ công vi thượng” việc công trên hết. Câu trả lời thật rõ ràng là: Khi Nhân Dân, Tổ Quốc trên hết, thì bất cứ giải pháp nào có lợi cho Dân cho Nước cũng đều nghiên cứu vận dụng được cả, không từ một giải pháp nào. Thực chất đó là phép quyền biến “dĩ bất biến ứng vạn biến”.

KÊNH ÔNG KIỆT TRONG TÔI

“Kênh ông Kiệt” và vùng đất Nam Bộ là nôi nuôi dưỡng phát triển của các giống mì ngắn ngày KM98-1, KM98-5,. KM140 đươc chọn tạo để đáp ứng nhu cầu né lũ, nay đã phát triển rộng khắp toàn quốc. An Giang cũng là nôi ứng dụng đầu tiên của Việt Nam và thế giới đối với những dòng khoai mì đột biến KM440 theo hướng ngắn ngày. Chúng tôi những người tạo chọn giống củ mì thật biết ơn kênh ông Kiệt và ông Bảy Nhị. Không có kênh ông Kiệt Bảy Nhị thì củ mì ngắn ngày năng suất cao của chúng tôi chưa thể ra đời nhanh như vậy.

Đề tài chọn tạo giống sắn ngắn ngày “né lũ” giúp tôi tiếp cận vùng đất hoang hóa, thấu hiểu những khổ cực của người dân nghèo vùng lũ và ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi. Sau này, khi giới thiệu với các chuyên gia Nhật Bản, như giáo sư tiến sĩ Motoaki Seki – RIKEN PSC và tiến sĩ Hirano – RIKEN Nishina về đề tài “Ứng dụng đột biến lý học và nuôi cấy mô để tạo giống khoai mì có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất củ tươi và hàm lượng tinh bột cao phù hợp với việc né lũ của tỉnh An Giang” thực hiện năm 2002-2004 tại vùng đất hoang hóa Tri Tôn Tịnh Biên. Họ đều ngạc nhiên thích thú vì Việt Nam đã triển khai hướng nghiên cứu ứng dụng đột biến lý học nguồn Co 60 để chiếu xạ trên hai vạn hạt giống KM94 tuyển chọn đã xử lý và ủ nứt nanh với các lô hạt sắn KM94 khô tại các liều xạ chọn lọc và thời gian chiếu xạ khác nhau, tạo ra các dòng/ giống sắn ngắn ngày để luân canh lúa sắn trên vùng đất hoang hóa Tri Tôn Tịnh Biên An Giang từ rất sớm.

Câu chuyện cây sắn “né lũ” mà tôi vừa kể trên cũng tương tự như câu chuyện Giống khoai lang Việt Nam HL518 và HL491. Những kết nối nghiên cứu và sản xuất đã giúp cơ hội cho các giống khoai lang HL518 (Nhật đỏ) chất lượng cao, vỏ đỏ, ruột cam; giống khoai lang HL491 (Nhật tím) vỏ đỏ ruột tím, giống khoai lang Kokey 14 (Nhật vàng) … phổ biến rộng rãi trong sản xuất mang lại bội thu cho nông dân như Kỳ tích từ cây lúa, củ khoai ở Hòn Ðất Kiên Giang với doanh nghiệp của ông Đỗ Quý Hạo trồng khoai lang rất thành công. Đất và Người phương Nam là nôi nuôi dưỡng hột lúa, củ khoai, giống mì mới bén rễ và sinh sôi.

Tôi là người con xa xứ của vùng đất nghèo miền Trung. Gia đình chúng tôi đi như dòng sông tụ về phương Nam và nay đã gắn bó nhiều năm với đất lành Nam Bộ. Tôi cùng đồng nghiệp đã chọn tạo được nhiều giống tốt cho mảnh đất này. Đó là các giống sắn cao sản KM419, KM94, KM140, KM98-5, KM98-1, KM937-26, KM60, KM23, KM24, KM20; các giống lúa KĐM 105, GSR, KĐM, giống ngô VN25-99, giống đậu nành HL92, HL203, giống lạc HL25, giống đậu xanh HL89-E3, HL115, giống đậu rồng Bình Minh Chim Bu Long Khánh, giống khoai lang HL518 (Nhật đỏ), HL491 (Nhật tím), Hoàng Long, Chiêm Dâu. Tôi thật cảm phục, yêu thương, biết ơn những người mở đất, những con kênh, đất và người phương Nam. Ngọc phương Nam, sự biết ơn trong tôi, hóa ra là câu chuyện tâm đắc một đời.

Ngày mất của ông Sáu, tôi chép lại bài thơ này, ít lời ngõ và phóng sự ảnh như là một nén hương tưởng nhớ. Bài viết này tiếp nối loạt bài Việt Nam con đường xanh, Lương Định Của lúa Việt; Thầy Tuấn kinh tế hộ; Thầy Quyền thâm canh lúa; Thầy Luật lúa OMCS OM;Thầy nghề nông chiến sĩ; Thầy bạn trong đời tôi . Ngày sinh của ông Sáu, tôi bồi hồi bổ sung thêm và hoàn chỉnh dần.

Kênh ông Kiệt giữa lòng dân.

Hoàng Kim

(Phóng sự ảnh)

KenhongKiet2

Tri Tôn Tịnh Biên là những huyện khó khăn cuả tỉnh An Giang


Hệ thống thủy lợi nội đồng nối với “Kênh ông Kiệt”
đã mang nguồn nước ngọt về ruộng


Giống lúa KĐM 105 ngon cơm sinh trưởng phát triển tốt trên vùng đất hoang hóa
được tưới đã mang lại niềm vui cho nhiều người dân nghèo.


Các giống mì, bắp, rau, đậu trồng vụ khô sau khi thu hoạch lúa KĐM105


Khoa học kỹ thuật bám dân bám ruộng âm thầm nhưng hiệu quả
làm đổi thay vùng Tri Tôn Tịnh Biên


“Kênh ông Kiệt” và vùng đất An Giang cũng là nôi nuôi dưỡng phát triển của các giống mì ngắn ngày KM98-1, KM140 đươc chọn tạo để đáp ứng nhu cầu né lũ nay đã phát triển rộng khắp toàn quốc (ảnh Thầy Lê Minh Tùng,Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Phó Chủ tịch tỉnh An Giangvới giống mì KM98-1)


Kênh ông Kiệt Bảy Nhị trong tôi. (ảnh tác giả gieo ươm và đánh giá trên 6000 dòng lai và đột biến để chọn giống khoai mì mới năng suất cao ngắn ngày ở Tri Tôn,Tịnh Biên.

Thông tin tại https://hoangkimlong.wordpress.com/category/kenh-ong-kiet-giua-long-dan/ và Ông Bảy Nhị An Giang; Bảy Nhị kênh ông Kiệt và tôihttps://hoangkimvn.wordpress.com/

Food Crops News 295

Cây Lương thực Việt Nam http://fa.hcmuaf.edu.vn/hoangkimlong

Video yêu thích
Chỉ tình yêu ở lại
Ngày hạnh phúc của em
Giúp bà con cải thiện mùa vụ

Trở về trang chính
Hoàng Kim Long, Ngọc Phương NamThung dungDạy và Học, Việt Nam Học, Cây Lương thực Việt Nam, Tình yêu Cuộc sống, CNM365; Kim on LinkedIn Kim on Facebook Kim on Twitter