Thung dung đẹp và hay

THUNG DUNG ĐẸP VÀ HAY

Sớm mai cây nhẹ hơi sương
Cà phê tỉnh thức con đường thiện tâm

Thung dung luyện khí dưỡng thần
An nhiên vui hưởng trong ngần nắng lên

Hoa tươi cảnh đẹp người hiền
Sách hay bạn quý chẳng phiền lụy ai

Trạng Trình thỏa chí rong chơi
Gần vườn cổ tích, xa nơi bụi trần

*
Vũ Bình Lục luận Ích Tắc
Hoàng Nhật Tân bàn chính công

Lưu Trọng Văn vui Đạo Bụt
Hoàng Kim Long lưu Chuyện Đời

Hoàng Kim
#Thungdung #đẹpvàhay
https://hoangkimlong.wordpress.com/category/thung-dung-dep-va-hay

“Nhẹ nâng một chén trà Thiền
Bình tâm nhìn khói ưu phiền thoảng bay
Cuộc đời tựa giấc mộng say

Trăm năm nhìn lại … mới hay … vô thường
(FB Nguyễn Lan)

MƯỜI NĂM Ở BẠC LIÊU
Chiêm Lưu Huy (chương 89)
Một góc nhìn về sự khác biệt giữa nông thôn miền Nam với miền Bắc một thời

1 – Thời tôi còn học cấp một, vào khoảng giữa những năm 1960s, cả làng tôi chỉ có mấy chiếc xe đạp. Có thể kể một chiếc của chú Thiêm, một chiếc của bác Nhung, một chiếc nữa của anh La Ban, tức Hoàng Quyền. Tất cả ba chiếc xe đạp này đều là di sản của thời Pháp để lại. Một chiếc xe đạp thiếu nhi Liên Xô duy nhất thuộc về ông lang Y, tức Lưu Huy Y. Ông Ký Đan cũng chưa có đạp. Tôi lên cấp hai thì có đợt phân phối xe đầu tiên cho cán bộ xã. Làng tôi có thêm một chiếc xe đạp Trung Quốc nhãn hiệu Phượng Hoàng của anh Lưu Huy Hức. Lưu Huy Hức là ủy viên thư ký ủy ban hành chính xã – chưa gọi Uỷ ban nhân dân. Sau này có thêm mấy chiếc xe đạp cũng do Trung Quốc sản xuất, nhãn hiệu Vĩnh Cửu. Vĩnh cửu mẫu mã thô, kém bắt mắt, nhưng coi bộ chắc chắn hơn. Những chiếc xe đạp này được phân phối cho những người trong đội vận chuyển hàng hóa nằm trong đội xe thồ – đội xe này có nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa cho đội sản xuất. Thanh niên làng tôi hầu như ai cũng phải ghen tỵ với gia đình người của đội xe thồ. Tôi nhớ thêm rằng, khi bộ đội về làng đóng quân và ở rải ra trong các gia đình trong làng, thì đại đội có chiếc xe đạp để anh nuôi đi chợ. Bộ đội tập trận và nấu cơm cách nào mà bếp không có khói. Sau này tôi mới biết đó là bếp Hoàng Cầm. Hoàng Cầm là một danh tướng, ông sáng tạo ra bếp không khói, tránh không lực Hoa Kỳ phát hiện. Và, người ta đã vinh danh bếp mang tên ông.

2 – Cũng trong khoảng thời gian tôi học cấp một, cấp hai thì phong trào hợp tác xã đã hoàn thành. Tuy vậy, làng tôi vẫn còn hộ ông Lưu Huy Thành ở ngoài bờ sông Sa Lung không vào hợp tác xã. Độc đáo là, làng tôi chỉ một mình ông Thành nuôi bò lấy sức kéo. Ông không nuôi trâu, có thể ông đề phòng trâu nhà lẫn với trâu hợp tác xã chăng ? Tuy cha mẹ làm ăn riêng lẻ, nhưng con trai của họ là Lưu Huy Sìn vẫn nhập ngũ và ra chiến trường. Tôi không biết lý lịch quân nhân của Sìn có bị xã phê phán xấu, tốt gì không. Mẹ chú Hoàng Văn Tân già cả cũng không vào hợp tác xã. Bà có ruộng làm riêng lẻ dù chú Tân làm chủ nhiệm hợp tác.

3 – Làng thuần nông. Nghĩa là người làng làm một năm hai vụ lúa. Vụ Chiêm thu hoạch vào tháng 5 âm lịch. Vụ mùa thì tháng 10. Khi tôi lên học cấp 3 trên huyện, thì làng mới có phong trào trồng màu vào vụ Đông Xuân. Vụ Đông Xuân ban đầu chủ yếu trồng su hào, bắp cải, rau diếp, cải ngọt, cải xanh. Sau phát triển lên trồng khoai tây. Tuy vụ Đông Xuân chỉ là vụ phụ nhưng nhà ai nấy làm trên đất 5% của mình – thực chất là cá thể, riêng lẻ lên thu hoạch khá lại không phải đóng thuế. Có thể nói vụ Đông Xuân tạo ra bộ mặt và đời sống mới cho người nông dân làng quê tôi đúng với nghĩa của từ này. Sau, hợp tác xã cũng chia đất ở chân ruộng cao cho xã viên trồng khoai lang ba tháng. Khoai lang Hoàng Long xuất hiện ở đồng chiêm trũng lại là một kỳ tích nữa. Nó góp phần cải thiện nạn thiếu lương thực.

4 – Ở một vài chương trước, tôi có đề cập vấn đề tại sao ruộng hợp tác xã thì cho năng xuất và sản lượng thấp tệ hại. Năm sau thường yếu kém hơn năm trước. Đó là vì nạn lãn công, dựa dẫm, tắc trách; cấy thưa, cày lỏi, bừa chùi. Bệnh cha chung không ai khóc. Bao nhiêu phân chất đều được người nông dân chăm bẵm vào ruộng đất 5%. Còn lại cỏ, rác, bèo, bã thì cân ký, quy tạ, gọi là phân chuồng, tống ra đồng hợp tác, vừa là phong trào vừa là nghĩa vụ, vừa lấy điểm quy ra thóc lúa cuối vụ thu hoạch. Đất hợp tác vì thế coi như bị khai thác kiệt quệ, hết độ phì mà không được bồi bổ gì cả. Sau này thì có phân hoá học của Liên Xô, Trung Quốc viện trợ; năng xuất, sản lượng có khá hơn. Mãi sau mình mới có nhà máy phân lân Văn Điển, đạm Hà Bắc. Lượng phân từ đây về với ruộng đồng đều đặn hơn, đồng nghĩa với năng xuất và sản lượng cải thiện hơn đôi chút. Nhưng hình như phân hóa học khiến đất rắn mặt, trai lì, gan gà gan trâu hơn. Rõ ràng là ruộng đất vẫn cần phân hữu cơ. Chính phân hữu cơ mới tạo ra độ phì lâu bền cho đất.

5 – Mười Năm Ở Bạc Liêu, qua miền Tây Nam Bộ, tôi thấy tình hình khác nhiều. Ruộng đồng thẳng cánh cò bay. Sau mùa gặt, ruộng đất được nghỉ ngơi chờ tới đầu mùa mưa thì nông dân đốt đồng. Đốt đồng là đốt rơm rạ, cỏ rác rải trên mặt ruộng. Đốt đồng ngoài cái lợi tạo ra tro than làm phân hữu cơ. Đốt đồng, bao nhiêu sâu bọ và trứng bệnh đều bị thiêu cháy, và diệt tận gốc. Mùa đốt đồng còn là mùa thu hoạch rắn, rùa, cua, ốc, chuột đồng. Đất chín rồng được phù sa dòng Cửu Long (chín con rồng) nuôi dưỡng. Năm nào nước kém, chẳng những thất thu nguồn lợi thuỷ sản mà lúa cũng thất mùa. Người ta sống chung, tự nhiên, hài hòa với lũ mà không đắp đê ngăn lũ như đê Sông Hồng. Đấy là những lợi thế dễ dàng nhận ra. Cơ giới hóa nông nghiệp Tây Nam Bộ cũng hơn mấy bậc. Máy cày của Áo, máy bơm nước của Nhật gọn nhẹ mà công suất lớn, bền bỉ lại ít hao nhiên liệu. Đạm hoá học cũng được dùng rộng rãi. Lại thêm mưa thuận gió hòa, thiên nhiên ưu đãi góp phần tạo ra vựa lúa, vựa hoa trái, vựa tôm cá miền tây.

6 – Một thời, đồng bằng Cửu Long; nông dân sản xuất không chỉ để ăn mà còn để bán. Nền kinh tế hàng hóa, cái nôi của kinh tế thị trường đã ra đời. Khác hẳn nông nghiệp đồng bằng sông Hồng cùng thời hầu như nhỏ lẻ, tự cấp tự túc. Đó không chỉ là khoảng cách về không gian hay thời gian. Đó là những khoảng cách còn lại. Mãi sau ngày đổi mới tư duy cũng chưa san lấp được khoảng cách vô hình ấy. …

(SG 16.2.2019 – 19.2.2024. Ảnh một góc đồng bằng Cửu Long, sưu tầm trên internet, đăng TRANG VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM; Xin miễn thứ bản quyền)

TÔI ĐI HỌC (RÚT TRONG SỔ TAY)
Chiêm Lưu Huy

*

1

Tháng 9 cuối thu,…

Tôi đi học,…

Tháng 9 có những giọt mưa thu thánh thót rơi,

Ngày tháng Mười chưa cười đã tối,

Đến tháng 11, 12 thì lạnh thấu xương.

2

Con đường đưa tôi đến trường, bốn mùa gió ngược?!

Những mương nước, những bờ ruộng,…

Cỏ may, cỏ gà, sương giá, ướt át dưới chân trần.

3

Giêng, hai là mùa xuân,

Mùa xuân kéo dài hết tháng ba.

Tháng Ba giáp hạt,

Mẹ tôi đắp đổi ngô, khoai, cầm cự cái đói qua được tháng Tư,…

4

Tháng Năm nắng chói chang,

Tháng Năm bừng bừng mùa gặt,

Ăn bát cơm gạo mới,…

Cha tôi lại lo, để dành : “Được mùa chớ phụ ngô khoai” !

5

Tháng 6 đêm ngắn, ngày dài,…

Tháng 6 nghỉ hè, bắt cua bò nắng,…

Tháng 7 bão dông, bắt cá trên đồng,…

Tháng 8 gió heo may, tôi bất chợt nhớ trường, nhớ thầy, nhớ lớp.

6

Bao giờ thì tháng 9 !?

Tháng 9, đi học vui :

“Tay em cầm quyển sách hồng”,…

Nghe lời thầy :

“Ngó bên ni đồng mênh mông bát ngát,

Ngó bên tê đồng bát ngát mênh mông”,…

Và, hứa hẹn,…

“Em đi học, đến trường sẽ biết,

Một ngư dân vùng Ác – chan – gen (1)

Nhờ lòng người và nhờ ý Chúa,

Đã trở thành nhà bác học lừng danh”,…

7

Cứ thế 11 năm,

Tôi đi học với cái bụng đói, no; cơm, ngô, khoai, sắn,…

Đêm nhìn sao trời không phân biệt được đâu là đại hùng tinh, đâu là tiểu hùng tinh.

Ông thần nông gù lưng cuốc, cày đi trước hay sau con vịt ?

Không có đường chân trời,…

Nhưng, dù sao Trái Đất vẫn quay…!

(Saigon, 24.6.2020)

***

Ghi chú : (1) – Ông là Mikhail Vasilyevich Lomonosov (1711 – 1765) là một nhà bác học người Nga, nhà khoa học và cũng là một nhà văn – người có nhiều đóng góp quan trọng cho văn học, giáo dục và khoa học.

Lomonosov sinh ra tại làng Mishaninskaya ở vùng Archangelgorod, trên một hòn đảo không xa Kholmogory, nằm về phía Bắc xa xôi của nước Nga. Cha của ông, Vasily Dorofeyevich Lomonosov, là một ngư dân khá giả, về sau trở thành chủ thuyền – Tóm tắt theo Wikipedia tiếng Việt.


SUY NGHĨ TỪ CÂU CHUYỆN CHỊ BÁN HÀNG RONG
Ở CHỢ HOÀ BÌNH, QUẬN 5 CÓ TỪ SAIGON XƯA.

*

Chị bán hàng rong ở quanh chợ Hoà Bình và các con đường phụ cận khu vực Quận 5 (chợ nổi tiếng có từ Saigon xưa) nói với tôi : Hôm nào hàng về nhiều, giá rẻ con bán rẻ. Hôm nào hàng về ít, giá mắc con bán mắc. Mắc rẻ gì con cũng chỉ lấy lời 20% đổ lại. Xe hàng này, mỗi ngày vợ chồng con (từ 4, 5 giờ sáng tới chiều, nếu chưa hết thì bán tới tới 6, 7 giờ tối) lời 200 ngàn, dè sẻn nuôi 2 đứa nhỏ ăn học, rồi còn phải bỏ ống heo 10, 20 ngàn phòng khi sửa xe, thay vỏ ruột; thuốc thang khi trái gió, giao mùa,…

Tôi thầm hiểu, người buôn bán nhỏ, nhỏ như chị bán hàng rong giữa Saigon hoa lệ có thể không qua trường lớp đào tạo mà nghiệp vụ quản trị kinh doanh, quản trị kinh tế đạt đến trình độ dân trí cao – cao hơn hẳn mấy ông (bà) giám đốc doanh nghiệp nhà nước (vốn được trợ giá, ưu ái đủ thứ) đã và đang trực chờ phá sản với khoản lỗ, nợ tiền tỷ trong đó, có ngài vướng vòng lao lý (?!).

Tôi không dám nghi ngờ chứng chỉ chuyên môn hay nghiệp vụ và bằng cấp chính trị của họ. Tôi chỉ mong họ thực lòng tính toán làm ăn sao cho doanh nghiệp nhà nước mà họ đại diện lời 5, 10% – nghĩa là bằng phân nửa chị chạy xe ba gác bán hàng rong. Lại còn phải biết chi xài tiết kiệm trong vòng 200 ngàn đồng mỗi ngày cho 4 miệng ăn và chút tiền dự phòng tu sửa phương tiện kiếm cơm là chiếc xe ba gác. Tất nhiên, mong là một chuyện, thực tế phũ phàng là một chuyện – Tàn nhẫn và vô luân!

Tuy nhiên, ai cũng hiểu (chỉ một nhóm người không chịu hiểu) thụt két, vỡ nợ “tiền chùa” là cách nhanh nhất để “bộ phận không nhỏ” có biệt thự triệu USD, có xe sang, tiền tỷ, hột soàn, châu báu, có bồ nhí, chân dài hầu hạ những chai rượu ngang giá mươi con trâu, có vợ nhỏ con thêm vênh váo cùng thái tử đỏ du học, du hý, du thủ du thực ở các xứ giãy chết chẳng chịu về cố quốc – “thiên đường”!

Chống tham nhũng mà không thu hồi được tài sản, tự nó chỉ là thắng lợi nửa vời, không như kỳ vọng. Tính răn đe thật sự không cao, bởi đã có câu “hy sinh đời bố, củng cố đời con” ngay từ và thậm chí (thèm thuồng) trước khi ngồi vào cái ghế tiền vàng béo bở (?!)

Đành rằng khắp nơi trên thế giới, tham nhũng, trộm cướp, tội phạm xả súng, bắt nhốt,… ở đâu cũng có, nhưng không vì thế mà “hoà cả làng” và cứ thế “té nước theo mưa”!…

(Saigon, 22.2.2023)

Bài viết mới trên DẠY VÀ HỌC
https://hoangkimvn.wordpress.com bấm vào đây cập nhật mỗi ngày

Video yêu thích

Trở về trang chính
Hoàng Kim Long, Ngọc Phương Nam Thung dung Dạy và Học, Việt Nam Học, Cây Lương thực Việt Nam, Tình yêu Cuộc sống, CNM365; Kim on LinkedIn Kim on Facebook Kim on Twitter

Bình luận về bài viết này