Nguyễn Hiến Lê sao sáng

nguyenhienle

NGUYỄN HIẾN LÊ SAO SÁNG
Hoàng Kim


Bạn gặt gì hôm nay? mỗi ngày gặt được một đến-ba việc tốt yêu thích, không nghe nhảm, nói nhảm, viết nhảm. Cụ Nguyễn Hiến Lê mỗi ngày viết đều đặn 5 trang đáng đọc. Cụ nói và viết chỉ những lời chân thiện mỹ nhất thiết phải nói, phải viết. Cụ đã viết: “Đời tôi có thể tóm tắt trong hai chữ HỌC và VIẾT. Hai việc đó liên quan mật thiết với nhau gần suốt đời.

Nguyễn Hiến Lê (1912–1984) là nhà giáo, nhà văn, học giả, dịch giả, với 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông là người được giới trí thức và nhân dân lao động kính trọng vì nhân cách cao qúy, cuộc sống thanh bạch, học vấn uyên bác và hiệu qủa lao động hiếm thấy. Trong “Lời mở đầu” tác phẩm “Đời viết văn của tôi” Nguyễn Hiến Lê đã viết: “Đời tôi có thể tóm tắt trong hai chữ HỌC và VIẾT. Hai việc đó liên quan mật thiết với nhau gần suốt đời. Tôi VIẾT ĐỂ HỌC và HỌC ĐỂ VIẾT”. Nguyễn Hiến Lê trí tuệ bậc Thầy, ngọn đèn văn hóa, sao sáng trời Nam. Cuộc đời và di sản của Nguyễn Hiến Lê là mẫu mực nhân cách người hiền còn mãi với thời gian.

Nguyễn Hiến Lê di sản cuộc đời

Nguyễn Hiến Lê tự là Lộc Đình, sinh ngày 8.1.1912 (nhằm ngày 20 tháng 11 năm Tân Hợi, tháng Tân Sửu, ngày Qúy Mùi, giờ Tân Dậu) quê ở làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây nay thuộc huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây. Ông xuất thân trong một gia đình nhà Nho. Cha, mẹ và bác ruột của ông đều giữ được truyền thống của tổ tiên mấy đời trước, săn sóc sự học của ông rất chu đáo. Ông thuở nhỏ học ở trường Yên Phụ, trường Bưởi. Năm 1934, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chính Hà Nội, ông vào làm việc tại Sở Thủy Lợi ở miền Tây Nam Bộ. Năm 1937, ông cưới vợ là bà Trịnh Thị Tuệ và đổi về làm việc ở Sài Gòn cho đến năm 1945. Trong thời gian này, ông trau dồi tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp, tự học tiếng Anh. và đã viết được trên ngàn trang sách để luyện văn. Mùa đông năm 1945 đến mùa xuân 1947, ông tản cư ở Tân Thạnh, Long Xuyên và học đông y. Năm 1947, ông thôi làm ở sở, đi dạy học ở Long Xuyên. Năm 1953, ông thôi dạy học, chuyển lên Sài Gòn mở nhà xuất bản, viết sách và viết báo.

Nguyễn Hiến Lê học và viết liên tục và bền bỉ, có hướng rõ rệt, tập trung năng lực, không để phí thì giờ, hi sinh việc xuất bản để dành thời gian viết sách. Trong cuộc đời cầm bút của mình, ông đã viết được 120 bộ sách về nhiều lĩnh vực,. Sức lao động của ông hiếm thấy với hơn 30.000 trang chia cho 33 năm, trung bình mỗi năm 900 trang. Tác phẩm của ông là những đóng góp lớn cho văn hoá Việt Nam, thuộc nhiều lĩnh vực: văn học, ngôn ngữ, triết học, giáo dục, gương danh nhân, chính trị, kinh tế, du kí, dịch tiểu thuyết, tiểu luận phê bình,…

120 tác phẩm của ông có khoảng 80 % là tác phẩm phổ biến rộng cho mọi giới (tiêu biểu nhất là loại sách học làm người, gương danh nhân, tổ chức công việc theo khoa học), còn lại khoảng 20% là sách chuyên khảo có giá trị đặc biệt về học thuật (thuộc lĩnh vực văn học, triết học, sử, cổ văn Trung Quốc). Tác phẩm xếp theo năm xuất bản, bao gồm:

• Tổ chức công việc theo khoa học – 1949
• Đắc nhân tâm (dịch Dale Carnegie) – 1951
• Kim chỉ nam của học sinh – 1951
• Luyện tình cảm (dịch F. Thomas) – 1951
• Để hiểu văn phạm – 1952
• Bảy bước đến thành công (dịch G. Byron) – 1952
• Tổ chức gia đình – 1953
• Thế hệ ngày mai – 1953
• Nghệ thuật nói trước công chúng – 1953
• Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười – 1954
• Săn sóc sự học của con em – 1954
• Hiệu năng – 1954
• Tự học để thành công – 1954
• Đại cương văn học sử Trung Quốc (3 quyển) – 1955
• Lịch sử thế giới (viết với Thiên Giang) – 1955
• Sống 24 giờ một ngày (dịch Arnold Bennett) – 1955
• Quẳng gánh lo đi và vui sống (dịch Dale Carnegie) – 1955
• Giúp chồng thành công (dịch Dorothy Carnegie) – 1956
• Nghề viết văn – 1956
• Muốn giỏi toán hình học phẳng – 1956
• Bí quyết thi đậu – 1956
• Đông Kinh Nghĩa Thục – 1956
• Rèn nghị lực – 1956
• Luyện tinh thần (dịch Dorothy Carnegie) – 1957
• Luyện văn I (1953), II & III (1957)
• Muốn giỏi toán đại số – 1958
• Thời mới dạy con theo lối mới – 1958
• Gương danh nhân – 1959
• Muốn giỏi toán hình học không gian – 1959
• Gương hi sinh – 1962
• Hương sắc trong vườn văn (2 quyển) – 1962
• Tương lai trong tay ta – 1962
• Kiếp người (dịch Somerset Maugham) – 1962
• Xung đột trong đời sống quốc tế – 1962
• Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam (viết với T. V. Chình) – 1963
• Sống đẹp – 1964
• Gương kiên nhẫn – 1964
• Một niềm tin – 1965
• Luyện lý trí – 1965
• Đại cương triết học Trung Quốc (viết chung với Giản Chi) – 1965
• Cách xử thế của người nay (dịch Ingram) – 1965
• Sống đời sống mới (dịch Powers) – 1965
• Cổ văn Trung Quốc – 1966
• Gương chiến đấu – 1966
• Tìm hiểu con chúng ta – 1966
• Xây dựng hạnh phúc (dịch Aldous Huxley) – 1966
• Thẳng tiến trên đường đời (dịch Lurton) – 1967
• Lời khuyên thanh niên – 1967
• Tay trắng làm nên – 1967
• Vấn đề xây dựng văn hoá – 1967
• Tổ chức công việc làm ăn – 1967
• Chiến tranh và hoà bình (dịch Lev Nikolayevich Tolstoy) – 1968
• Chiến Quốc sách (viết chung với Giản Chi) -1968
• Bí mật dầu lửa (dịch Gaillard) – 1968
• Đế Thiên Đế Thích – 1968
• Bài học Israel – 1968
• 40 gương thành công – 1968
• Thư ngỏ tuổi đôi mươi (dịch André Maurois) – 1968
• Sống 365 ngày một năm – 1968
• Những cuộc đời ngoại hạng – 1969
• Bán đảo Ả Rập – 1969
• Khóc lên đi ôi quê hương yêu dấu (dịch Alan Paton) – 1969
• Mưa (tuyển dịch nhiều tác giả) – 1969
• Trút nỗi sợ đi (dịch Coleman) – 1969
• Con đường lập thân (dịch Ennever) – 1969
• Sử ký Tư Mã Thiên (viết chung với Giản Chi) – 1970
• Làm con nên nhớ (viết với Đông Hồ) – 1970
• Tô Đông Pha – 1970
• Nhân sinh quan và thơ văn Trung Hoa (dịch) – 1970
• Quê hương tan rã (dịch C. Acheba) – 1970
• Một lương tâm nổi loạn – 1970
• 15 gương phụ nữ – 1970
• Hoa đào năm trước – 1970
• Thư gởi người đàn bà không quen (dịch André Maurois) – 1970
• Einstein – 1971
• Con đường hoà bình – 1971
• Lợi mỗi ngày một giờ – 1971
• Lịch sử văn minh Ấn Độ (dịch Will Durant) – 1971
• Thế giới ngày mai và tương lai nhân loại – 1971
• 33 câu chuyện với các bà mẹ – 1971
• Chấp nhận cuộc đời (dịch L. Rinser) – 1971
• Ý chí sắt đá – 1971
• Chinh phục hạnh phúc (dịch Bertrand Russell) – 1971
• Sống theo sở thích (dịch Steinckrohn) – 1971
• Giữ tình yêu của chồng (dịch Kaufmann) – 1971
• Nhà giáo họ Khổng – Cảo Thơm 1972
• Liệt tử và Dương tử – Lá Bối 1973
• Cầu sông Drina (dịch I. Andritch) – 1972
• Bài học lịch sử (dịch Will Durant) – 1972
• Ý cao tình đẹp – 1972
• Thế giới bí mật của trẻ em – 1972
• Bertrand Russell – 1972
• Cháu bà nội tội bà ngoại – 1974
• Những vấn đề của thời đại – 1974
• Nguồn gốc văn minh (dịch Will Durant) – 1974
• Văn minh Ả Rập (dịch Will Durant) – 1975
• 10 câu chuyện văn chương – 1975
• Mạnh Tử – 1975
• Sử Trung Quốc (3 tập) 1982
• Con đường thiên lý – 1990
• Tôi tập viết tiếng Việt – 1990
• Hồi ký Nguyễn Hiến Lê – (Xuất bản 1992)
• Khổng Tử – viết xong 1978 (Xuất bản 1992)
• Đời nghệ sĩ – (Xuất bản 1993)
• Lão Tử – viết xong 1977 (Xuất bản 1994)
• Trang Tử – viết xong 1975 (Xuất bản 1994)
• Hàn Phi Tử – viết chung với Giản Chi, 1975 (Xuất bản 1994)
• Tuân Tử – viết xong 1975 (Xuất bản 1994)
• Mặc học – viết xong 1976 (Xuất bản 1995)
• Luận ngữ – viết xong 1978 (Xuất bản 1995)
• Đời viết văn của tôi – (Xuất bản 1996)
• Lịch sử văn minh Trung Quốc (dịch Will Durant) – (Xuất bản 1997)
• Gogol – (Xuất bản 2000)
• Tourgueniev – (Xuất bản 2000)
• Tchekhov – (Xuất bản 2000)
• Để tôi đọc lại – (Xuất bản 2001)
• Những quần đảo thần tiên (dịch Somerset Maugham) – 2002
• Kinh Dịch, đạo của người quân tử – viết xong 1979 (Xuất bản 1992, …,2002…)

Nguyễn Hiến Lê ngoài các tác phẩm trên đây còn có 242 bài trên tạp chí Bách Khoa, 50 bài trên các tạp chí Mai, Tin Văn, Văn, Giáo Dục Phổ Thông, Giữ Thơm Quê Mẹ. Ngoài ra ông còn viết lời giới thiệu cho 23 quyển sách.

Năm 1980 ông về lại Long Xuyên. Ông lâm bệnh và mất ngày 22 tháng 12 năm 1984 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 73 tuổi.

Nguyễn Hiến Lê danh thơm còn mãi

Phần mộ của nhà văn hoá lỗi lạc Nguyễn Hiến Lê tại chùa Phước Ân, gần ngã tư Cai Bường, xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Võ, tỉnh Đồng Tháp. Tôi tìm về chùa Phước Ân thăm Người lần theo chỉ dấu của tác giả Trung Thu đã kể lại trên Nguyệt san Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh tháng 9 năm 2009 về việc Tìm mộ cụ Nguyễn Hiến Lê .

“Mở đầu cuốn Đông Kinh Nghĩa Thục, Nguyễn Hiến Lê viết: “Mà có bao giờ người ta nghĩ đến việc thu thập tài liệu trong dân gian không? Chẳng hạn khi một danh nhân trong nước qua đời, phái một người tìm thân nhân hoặc bạn bè của người đã mất, để gom góp hoặc ghi chép những bút tích về vị ấy, rồi đem về giữ trong các thư khố làm tài liệu cho đời sau. Công việc có khó khăn tốn kém gì đâu, mà lại có lợi cho văn hóa biết bao”. Thật không ngờ, điều cụ luôn canh cánh trong lòng, đến khi mất lại vận vào chính đời cụ.

…Vĩnh Thạnh nghèo nàn và ướt át. Tôi phải hỏi tới người thứ tư mới biết chính xác đường vào chùa Phước Ân. Từ ngã tư Cai Bường rẽ tay trái vào hơn 1 km đường đất nữa mới tới. Con đường len lỏi qua những vườn cây ăn trái xanh mướt và một cây cầu gỗ bắc ngang con kênh. Nhà dân nằm im lìm dưới tán lá như trái chín giấu mình sau vòm lá. Không khí thuần khiết hòa vào hương xoài dịu êm khiến tôi ngẩn ngơ. Gia quyến cụ Nguyễn Hiến Lê phải cực kỳ tinh tế và hiểu ý cụ mới đem cụ về an nghỉ chốn bình yên này.

Chùa Phước Ân hiện ra trước mắt tôi vừa trang nghiêm vừa thân thiện. Ngôi chùa đơn sơ ẩn hiện sau lớp lá bồ đề lóng lánh nước mưa. Không một bóng người. Không gian im ắng. Tôi dắt xe chầm chậm qua sân chùa. Một bà cụ mặc áo nâu sòng, mái tóc hoa râm xuất hiện. Biết tôi muốn tìm mộ cụ Nguyễn Hiến Lê, bà chậm rãi trả lời. “Trong chùa này chỉ có thầy trụ trì với bà biết ông ấy thôi”. Bà dẫn tôi vào chánh điện. Sau lớp kính mờ ảo của khung ảnh, nụ cười cụ Nguyễn Hiến Lê vẫn tươi rói và đôi mắt dường như vẫn dõi theo trần gian, đôi mắt như thăm thẳm một niềm an lạc. Di ảnh cụ được treo bên cạnh người vợ thứ hai là bà Nguyễn Thị Liệp. Sau khi cụ mất, bà xuất gia đi tu và mong muốn được an nghỉ tại chùa Phước Ân cùng chồng.

Mộ cụ Nguyễn Hiến Lê nằm lọt thỏm trong khoảng 20 ngôi mộ khác. Ngôi mộ của một con người lỗi lạc nhỏ nhắn và giản dị đến nỗi bát nhang không một nén. Nhưng tôi biết, cụ rất ấm cúng khi nằm chung với toàn thể gia quyến trong một khu mộ. Không hoành tráng lộng lẫy. Không bia đá trường cửu. Không khoa trương diễm lệ. Cụ nằm đó bên ngôi chùa trầm mặc nghe kinh kệ là một diễm phúc hiếm ai nghĩ tới. Có lẽ đây là lối đi mãn nguyện nhất đối với một tâm hồn vốn giản dị và thanh sạch. Trong gian phòng ấm cúng bên ly trà nóng, bà cụ hỏi tôi có thân thích gì với cụ Lê không mà lại đi thăm mộ lúc trời mưa gió. Tôi thưa thật, tôi chỉ là người đọc sách của cụ. Tôi tìm mộ cụ chỉ để thắp một nén nhang trước hương hồn cụ để tỏ lòng cảm phục. Bà …hỏi tôi rằng cụ viết sách hay lắm sao mà mất lâu thế vẫn có người nhắc đến. … Tôi cắm vào lư hương trên mộ cụ một nén nhang thành kính. Hương trầm tỏa bay làm cay cay khóe mắt”

Mới đây Trương Vĩnh Khánh , hội Văn hóa Nghệ thuật Đồng Tháp trong bài Đôi dòng về học giả Nguyễn Hiến Lê 1912-1984 thì lại có lời thưa là bạn Trần Trung Thu đã “hỏi thăm chưa đúng chỗ chứ người An Giang & Đồng Tháp chúng tôi không mấy ai lại vô tình không biết và chúng tôi vô cùng tôn kính nhà văn, học giả kiệt xuất ấy.”.

Ông Trương Vĩnh Khánh đã bổ sung thêm một số tư liệu và ông Vũ Ngọc Tiến đã gửi cho Viet-studies: “Nguyễn Hiến Lê hiệu là Lộc Đình, sinh ngày 20 tháng 11 âm lịch năm Tân Hợi nhằm ngày 8 tháng 01 năm 1912 (Giấy khai sinh ghi ngày 8/4/1912). Nguyên quán làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc Ba Vì, Hà Nội ). Ông là một học giả, nhà nghiên cứu văn hoá kiệt xuất, xuất thân trong một gia đình nho học, thân phụ là Nguyễn Văn Bí, hiệu Đặc Như. Thuở nhỏ ông học ở trường tiểu học Yên Phụ – trường Bưởi (Trung học), Trường Cao Đẳng Công Chánh (Hà Nội ) – Năm 1934 tốt nghiệp được bổ làm việc tại các tỉnh miền tây Nam Bộ. Sau cách mạng tháng 8/1945, ông từ bỏ đời sống công chức về Long Xuyên dạy học trường Trung học Thoại Ngọc Hầu (collège de Long Xuyen). Năm 1952, ông lên Sài Gòn mở nhà xuất bản biên dịch sách, sáng tác và viết báo. Tính đến năm 1975, ông đã cho xuất bản hơn 100 tác phẩm về nhiều lĩnh vực như: văn học, ngôn ngữ học, triết học, tiểu luận phê bình giáo dục, chính trị, kinh tế, gương danh nhân du ký, dịch tiểu thuyết, sách học làm người… Từ năm 1975 cho đến lúc qua đời, ông còn trước tác được hơn 20 tác phẩm. Trong số đó có những cuốn như: “Lịch sử thế giới, Đông kinh nghĩa thục, Văn minh Arập, Sử Trung Quốc, Lịch sử văn minh Trung Quốc, nguồn gốc văn minh, Khảo luận về Ngữ pháp Việt Nam, gương danh nhân và kinh dịch”(in theo bản thảo chép tay của Nguyễn Hiến Lê mới xuất bản năm 1992 của nhà xuất bản Văn học Hà Nội, được đánh giá là một công trình khảo cứu có giá trị khoa học đặc sắc về văn hóa phương Đông. Vào năm 1967, chính quyền Sài Gòn đã trao tặng ông cùng Giản Chi: Giải nhất ngành biên khảo và giải tuyên dương sự nghiệp Văn học – Nghệ thuật (1973). Đi kèm với danh hiệu cao quí đương thời là tấm ngân phiếu một triệu đồng (tương đương 25 cây vàng lúc đó). Học giả Nguyễn Hiến Lê đã công khai từ chối nhận giải với lý do “nên dùng tiền ấy để giúp nạn nhân chiến tranh” và bản thân tác giả cũng không dự giải. Năm 1980, ông về ẩn cư ở Long Xuyên. Ông lâm bênh và mất lúc 8 giờ 50 phút ngày 22 tháng 12 năm 1984 tại bênh viện An Bình – chợ Lớn TP Hồ Chí Minh- hưởng thọ 72 tuổi. Hoả thiêu vào ngày 24 tháng 12 năm 1984 tại đài thiêu Thủ Đức. Di cốt Nguyễn Hiến Lê được đem về chôn cất trong khuôn viên nhà bà Nguyễn Thị Liệp (vợ thứ 2 quê ở Long Xuyên, còn bà cả tên Tuệ người miền Bắc). Năm 1999 Bà Liệp tạ thế và được an táng trong khuôn viên chùa Phước Ân, ở rạch Cai Bường, thuộc xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Di cốt của ông cũng được đem đặt trên phần mộ của bà. Hiện người con trai của ông là Nguyễn Nhật Đức và bà Tuệ (vợ cả) đang định cư tại Pháp“.

Ông Trương Vĩnh Khánh cũng đã ứng tác bài thơ trước mộ cụ Nguyễn Hiến Lê khi cùng nhóm văn bút Lấp Vò là Từ Quang, Trịnh Kim Thuấn đưa nhà văn Vũ Ngọc Tiến đến chùa Phước Ân viếng mộ học giả, nhà văn khả kính Nguyễn Hiến Lê nhân tiết Thanh Minh 24/3 âm lịch – Quý Tỵ:

” Về miền Tây viếng thăm thầy
Trăm năm một cõi – đám mây vô thường
Cả đời nặng nợ văn chương
Chồng Nam, vợ Bắc đoạn trường lắm thay!

Quê hương thương nhớ lắt lay
Trăm nghìn trang sách – trắng tay phong trần
Nghiêng nghiêng bóng nắng chiều xuân
Mờ mờ sương khói, trầm luân kiếp người.

Ngẩn ngơ vườn tháp lệ rơi
Tấm bia, ngọn cỏ nhàu phơi úa màu
Văn chương để lại ngàn sau
Xác thân lưu lạc thấm đau nỗi đời.

Tài hoa nặng nợ – số trời
Xót Thầy nằm đó trông vời cố hương!…”

Nguyễn Hiến Lê trí tuệ bậc Thầy

Trong hồi ký của mình, Nguyễn Hiến Lê đã viết “Tự bạch” về nhân sinh:

  1. Đời sống tự nó vô ý nghĩa, trừ ý nghĩa truyền chủng, nhưng mình phải tạo cho nó một ý nghĩa. Từ hồi ăn lông ở lỗ đến nay, nhân loại đã tiến về nhiều phương diện. Chúng ta được hưởng công lao, di sản của biết bao thế hệ thì phải duy trì di sản đó và cải thiện nó tùy khả năng mỗi người.
  2. Chúng ta làm điều phải vì tin nó là điều phải chứ không phải vì ý muốn của Thượng đế hay một vị thần linh nào, cũng không phải vì mong chết rồi được lên Niết bàn hay Thiên đàng
  3. Quan niệm thiện ác thay đổi tùy nơi, tùy thời. Cái gì ích lợi cho một xã hội vào một thời nào đó thì được xã hội đó cho là thiện, cũng cái đó qua thời khác không còn ích lợi nữa mà hóa ra có hại thì bị coi là ác. Ví dụ đạo tòng phu, tòng tử của phụ nữ có lợi cho gia đình, xã hội thời nông nghiệp; tới thời kỹ nghệ không còn lợi cho gia đình, xã hội nên mất giá trị. Khi sản xuất được ít, đức tiết kiệm được đề cao; ngày nay ở Âu Mỹ, sản xuất vật dụng thừa thãi quá, nên sự phung phí gần thành một bổn phận đối với xã hội. Tuy nhiên vẫn có một số giá trị vĩnh cửu, từ hồi loài người bắt đầu văn minh, dân tộc nào cũng trọng, như đức nhân, khoan hồng, công bằng, tự do, tự chủ,…
  4. Đạo nào cũng phải hợp tình, hợp lý (bất viễn nhân) thì mới gọi là đạo được. Tôi không tin rằng hết thảy loài người chỉ thấy đời toàn là khổ thôi; cũng không tin rằng hết thảy loài người thích sống tập thể, không có của riêng.
  5. Đạo Khổng thực tế nhất, hợp tình hợp lý nhất, đầy đủ nhất, xét cả về việc tu thân, trị gia, trị quốc. Vậy mà tới nay lý tưởng của ông, nhân loại vẫn chưa theo được. Về tu thân, ba đức nhân, trí, dũng, luyện được đủ tình cảm, trí tuệ và nghị lực của con người.
  6. Nên trọng dư luận nhưng cũng không nên nhắm mắt theo dư luận. Biết đắc nhân tâm, nhưng cũng có lúc phải tỏ nỗi bất bình của mình mà không sợ thất nhân tâm.
  7. Mỗi người đã phải đóng một vai trò trong xã hội thì tôi lựa vai trò thư sinh. Sống trong một gia đình êm ấm giữa sách và hoa, được lòng quý mến, tin cậy của một số bạn và độc giả, tôi cho là sướng hơn làm một chính khách mà được hàng vạn người hoan hô, mà còn có phần giúp ích cho xã hội được nhiều hơn bạn chính khách nữa. Nhưng làm nhà văn thì phải độc lập, không nhận một chức tước gì của chính quyền.
  8. Ghi được một vẻ đẹp của thiên nhiên, của tâm hồn, tả được một nỗi khổ của con người khiến cho đời sau cảm động, bấy nhiêu cũng đủ mang danh nghệ sĩ rồi.
  9. Văn thơ phải tự nhiên, cảm động, có tư tưởng thì mới hay. Ở Trung Hoa, thơ Lý Bạch, văn Tô Đông Pha hay nhất. Ở nước ta, thơ Nguyễn Du tự nhiên, bình dị mà bài nào cũng có giọng buồn man mác.
  10. Tôi khuyên con cháu đừng làm chính trị, nhưng nếu làm thì luôn luôn phải đứng về phía nhân dân.
  11. Một xã hội văn minh thì nhà cầm quyền không đàn áp đối lập, cùng lắm chỉ có thể ngăn cản họ để họ đừng gây rối thôi; tuyệt nhiên không được tra tấn họ. Phải tuyệt đối tôn trọng chính kiến của một người.
  12. Một xã hội mà nghề cầm bút, nghề luật sư không phải là nghề tự do thì không gọi là xã hội tự do được.
  13. Khi nghèo thì phải tận lực chiến đấu với cảnh nghèo vì phải đủ ăn mới giữ được sự độc lập và tư cách của mình. Nhưng khi đã đủ ăn rồi thì đừng nên làm giàu, phải để thì giờ làm những việc hữu ích mà không vì danh và lợi. Giá trị của ta ở chỗ làm được nhiều việc như vậy hay không.
  14. Chỉ nên hưởng cái phần xứng đáng với tài đức của mình thôi. Nếu tài đức tầm thường mà được phú quý hoặc được nhiều người ngưỡng mộ thì sẽ mang họa vào thân.
  15. Hôn nhân bao giờ cũng là một sự may rủi. Dù sáng suốt và chịu tốn công thì cũng không chắc gì kiếm được người hợp ý mình; phải chung sống năm ba năm mới rõ được tính tình của nhau. Từ xưa tới nay tôi thấy cuộc hôn nhân của ông bà Curie là đẹp nhất, thành công nhất cho cả cá nhân ông bà lẫn xã hội. Hiện nay ở Mỹ có phong trang kết hôn thử, tôi cho rằng chưa chắc đã có lợi cho cá nhân mà có thể gây nhiều xáo trộn cho xã hội.
  16. Có những hoa hữu sắc vô hương mà ai cũng quý như hoa hải đường, hoa đào; nhưng đàn bà nếu chỉ có sắc đẹp thôi, mà không được một nét gì thì là hạng rất tầm thường. Chơi hoa tôi thích nhất loại cây cao; có bóng mát, dễ trồng và có hương quanh năm như ngọc lan, hoàng lan. Ở đâu tôi cũng trồng hai loại đó.
  17. Rất ít khi con người rút được kinh nghiệm của người trước. Ai cũng phải tự rút kinh nghiệm của mình rồi mới khôn, vì vậy mà thường vấp té. Nhưng phải như vậy thì loài người mới tiến được.
  18. Cơ hồ không thay đổi được bản tính con người: người nóng nảy thì tới già vẫn nóng nảy, người nhu nhược thì tới già vẫn nhu nhược. Nhưng giáo dục vẫn có ích. Không nên cho trẻ sung sướng quá. Phải tập cho chúng có quy củ, kỷ luật, biết tự chủ và hiểu rằng ở đời có những việc mình không thích làm nhưng vẫn phải làm; và làm thì phải làm ngay, làm đàng hoàng, làm cho xong.
  19. Thay đổi bản tính con người như Mặc Tử, như Karl Marx muốn là chuyện không dễ một sớm một chiều. Thế giới còn những nước nhược tiểu nhiều tài nguyên thì còn bọn thực dân họ chỉ thay đổi chính sách thôi. Thực dân nào cũng vậy. Khi họ khai thác hết trên mặt đất, trong lòng đất thì họ sẽ khai thác biển, đáy biển, Họ còn sống lâu. Tuy nhiên cũng phải nhận rằng sự bóc lột trong một nước tân tiến thời nay đã giảm nhiều, thì sau này sự bóc lột các dân tộc nhược tiểu cũng sẽ giảm đi lần lần.
  20. Xã hội bao giờ cũng có người tốt và kẻ xấu. Như Kinh Dịch nói, lúc thì âm (xấu) thắng, lúc thì dương (tốt) thắng; mà việc đời sau khi giải quyết xong việc này thì lại sinh ra việc khác liền; sau quẻ Ký tế (đã xong) tiếp ngay quẻ Vị tế (chưa xong). Mình cứ làm hết sức mình thôi, còn thì để lại cho các thế hệ sau.
  21. Hồi trẻ, quan niệm của tôi về hạnh phúc là được tự do, độc lập, làm một công việc hữu ích mà mình thích, gia đình êm ấm, con cái học được, phong lưu một chút chứ đừng giàu quá. Nhưng hồi năm mươi tuổi tôi thấy bấy nhiêu chưa đủ, cần thêm điều kiện này nữa: sống trong một xã hội lành mạnh, ổn định và tương đối thịnh vượng.

Nguồn: Nguyễn Hiến Lê,1980. “Đời viết văn của tôi” Nhà Xuất bản Văn hoá, Hà Nội, 1996, 400 trang; Tiểu sử học giả Nguyễn Hiến Lê theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam – Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội in trong “Kinh Dịch, đạo của người quân tử”, Nhà Xuất bản Văn học 1992, trang 7-8; Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

22. Ông viết trên trang đầu sách Không Tử, cuốn sách mà ông viết xong 1978, xuất bản 1992: “Triết thuyết nào cũng chỉ để cứu cái tệ của một thời thôi. Muốn đánh giá một triết thuyết thì phải đặt nó vào thời của nó, xem nó giải quyết được những vấn đề của thời đó không, có là một tiến bộ so với các thời trước, một nguồn cảm hứng cho các đời sau không. Và nếu sau mươi thế hệ, người ta thấy nó vẫn còn làm cho đức trí con người được nâng cao thì phải coi nó là một cống hiến lớn cho nhân loại rồi.”

Nguyễn Hiến Lê nhân cách người hiền

Phan Ngọc Hiền tại bài viết Rành mạch như Nguyễn Hiến Lê đã cho thấy nhân cách của vị học giả đáng kính này nghiêm cẩn trong nghề viết văn và khách quan, rành mạch trong quan niệm sống …

Ông là tấm gương sáng về tinh thần lao động đã để lại một di sản đồ sộ, tới cả trăm cuốn sách có giá trị về nhiều mặt. Ông cũng là một nhân sĩ đáng trọng bởi dù ở hoàn cảnh nào vẫn luôn giữ được một cách nhìn nhận vấn đề khách quan, trung thực. Điều đặc biệt ở học giả Nguyễn Hiến Lê là không chỉ trong việc viết mà trong cuộc sống đời thường, ông luôn sòng phẳng, rành mạch thể hiện thái độ, quan niệm sống của mình…

1. Trong đời mình, cả hai lần học giả Nguyễn Hiến Lê được chính quyền Sài Gòn đề nghị trao giải Tuyên dương sự nghiệp văn học, nghệ thuật thì cả hai lần ông đều từ chối không nhận. Trả lời thắc mắc của một số bạn hữu, Nguyễn Hiến Lê cho hay: “Nguyên tắc của tôi là không nhận một vinh dự gì do một chính quyền tôi không trọng ban cho”. Được biết số tiền dành cho giải thưởng bấy giờ rất cao, lên tới 1.000.000 đồng, tương đương với 25 lượng vàng.

Xác định điều hữu ích lớn nhất mà mình có thể đóng góp cho đời là việc cầm bút, Nguyễn Hiến Lê đã kiên quyết gạt bỏ những việc làm mà ông cho là vô bổ, mất thời gian, ảnh hưởng tới nghiệp viết của mình. Một lần, chính phủ Nguyễn Văn Thiệu mời Nguyễn Hiến Lê tham gia Hội đồng Giáo dục toàn quốc, ông nhất mực thoái thác với lý do: Việc đề nghị cải tổ giáo dục ông đã có bài đăng trên tạp chí Bách khoa từ năm 1962. Giờ ông không có gì để nói thêm. Vả chăng, đang trong tình hình chiến tranh, có bàn thế chứ bàn nữa cũng chỉ… mất thời giờ. Một lần khác, có vị Bộ trưởng trong chính phủ Sài Gòn cho nhân viên đến mời ông tới “tư dinh” của ông ta nói chuyện riêng, ông đã thẳng thừng cật vấn người này: “Ông ấy lấy tư cách gì mà mời tôi như vậy? Tôi không thuộc quyền ông ấy. Nếu ông ấy mến tôi là nhà văn thì sao lại mời tôi lại thăm ông ấy?”. Lại có lần, Nguyễn Hiến Lê đã không thèm trả lời thư riêng của một vị Bộ trưởng chỉ vì vị này, trong thư gửi ông đã để một viên thư ký… ký thay.

2. Nguyễn Hiến Lê từng tâm sự rằng, hồi trẻ, khi viết văn, ông hơi mắc bệnh khoa trương. Sau này tuổi càng lớn, ông càng trân trọng sự bình dị. Những gì viết trước đây, nếu chưa kịp in thì ông cũng chỉ giữ lại làm kỷ niệm, chứ không cho in lại nữa. Ông ngượng.

Trọng sự bình dị, ông còn trọng cá tính của mình nữa. Một lần, có nhà biên tập sau khi đọc đoạn văn ký sự của ông, đã cất công đảo câu văn lên, câu văn xuống, cắt tỉa, thêm bớt cho “có nhạc hơn”. Ông khen người nọ “sửa khéo” nhưng khi đưa in bài viết, ông giữ nguyên đoạn văn ông viết vì thấy phải nói như thế mới tự nhiên, mới đúng ý, đúng cảm xúc của mình.

Đa phần các sách của Nguyễn Hiến Lê đều bán chạy, song có những đề tài ông biết rất ít người đọc, nhưng vì ông thích, ông vẫn cứ viết. Như cuốn “Một niềm tin”, chỉ được in có hơn nghìn bản mà tới gần chục năm sau sách vẫn chưa tiêu thụ hết.

Khi dịch sách, Nguyễn Hiến Lê thường chọn những cuốn mà bút pháp của tác giả không trái với bút pháp của ông, nghĩa là phải bình dị, tự nhiên. Ông tâm sự ông thích sách của Lev Tolstoy, Somarset Maugham. Dịch “Chiến tranh và hòa bình” của Tolstoy, mặc dù nhận thấy bộ sách “rất dài và có nhiều chương lý thuyết về lịch sử đọc chán lắm”, nhưng ông vẫn dịch trọn, không để sót một dòng. Quan điểm của ông về vấn đề này rất rạch ròi: “Tôi nghĩ tác phẩm đó lớn quá, nước mình nên có một bản dịch đầy đủ, rồi sau muốn phổ biến rộng thì sẽ cắt bớt”.

Nhắc tới các sách dịch của Nguyễn Hiến Lê, độc giả thường nhớ nhiều tới hai cuốn “Quẳng gánh lo đi và vui sống” và “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie. Đây là một tác giả có những quan điểm về xử thế mà Nguyễn Hiến Lê rất tâm đắc, song vẫn có chỗ ông thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng thuận. Như trong bài viết “Nhân sinh quan của tôi”, Nguyễn Hiến Lê đã nêu ý kiến: “Nên trọng dư luận nhưng không nên nhắm mắt theo dư luận. Biết đắc nhân tâm nhưng cũng có lúc phải tỏ nỗi bất bình của mình mà không sợ thất nhân tâm”.

3. Là người có lối nghĩ Tây học, tân tiến, song Nguyễn Hiến Lê vẫn không sao dung nạp được cách sống tự do thái quá, xem nhẹ sự liên kết giữa các thành viên trong gia đình như ở một số nước Âu, Mỹ. Ông kể: “Người Âu Mỹ, khi lớn rồi thì ra ở riêng, cả tháng, có khi cả năm không lại thăm cha mẹ một lần; cha mẹ già thì đưa vào viện dưỡng lão”. Ông cũng than phiền về một nghịch lý trong xã hội Việt Nam, ấy là việc “người già phải giữ cháu cho con, sắp hàng mua thực phẩm cho con, nấu cơm cho con. Mấy bạn già của tôi cũng phàn nàn phải làm “vú đực” cho cháu”.

Năm 1965, một người con trai của Nguyễn Hiến Lê tên là Nhật Đức (khi ấy đang sống và làm việc tại Pháp) đã bất ngờ xin phép bố mẹ cho được kết hôn với một phụ nữ Pháp. Nguyễn Hiến Lê nghe tin vậy thì rất giận. Biết tính con trai đã làm gì là quyết làm bằng được nên ông không… cấm, song cũng nhất định không can dự vào việc này, để hai mẹ con tự lo. Mấy năm sau, người con trai này kêu cầu mẹ mình ở lại Paris trông nom con cái giùm vì hai vợ chồng đang làm thủ tục… ly dị. Nhận được tin con, đầu Nguyến Hiến Lê như bốc hỏa. Ông nhắn cho vợ: “Bảo nó trước kia đã tự ý lựa vợ, tự mưu hạnh phúc cho nó, bất chấp ý kiến cha mẹ thì bây giờ nó cũng phải chịu lấy hậu quả của sự quyết định của nó, chứ tại sao lại cầu cứu tới má nó, bắt má nó bỏ nhà, bỏ cửa công việc dạy học bên đây, làm vú em cho con nó rồi bắt lây cô Liệp (vợ sau của Nguyễn Hiến Lê – PNH) bỏ nhà cửa ở Long Xuyên mà lên đây săn sóc cho tôi”. Ông mắng con là đã Âu hóa quá mau, chỉ thờ cá nhân chủ nghĩa, “không biết tới gia đình, không còn tình của con người nữa”.

Vậy nhưng sau này, khi người con trai nói trên của Nguyễn Hiến Lê đã ly dị vợ rồi, và bà vợ đầu của ông cũng đã ổn định cuộc sống ở Pháp, trong khi cuộc sống trong nước thì đói kém, Nguyễn Hiến Lê lại thấy: Hóa ra, trong cái rủi có cái may. Từ đó, ông quay sang ân hận vì mình đã quá nóng nảy với con. Ông tâm sự: “Đời nó như bị cái gì đó chi phối, nó tưởng nó làm chủ tương lai của nó được, tự tạo hạnh phúc được mà rồi nó thất bại… Kinh nghiệm của cha mẹ không giúp gì được cho con thì tôi còn rầy con tôi làm chi nữa”.

Đối chiếu việc đam mê viết sách của mình với trách nhiệm gia đình, Nguyễn Hiến Lê cũng không khỏi có phút ngẫm ngợi: “Viết đối với tôi như một môn tiêu khiển rẻ tiền nhất. Nhưng đôi khi tôi ân hận rằng vì tôi chúi đầu vào sách, vợ con tôi nhiều lúc cũng thấy chán”.

4. Sau ngày giải phóng miền Nam, mặc dù vợ con đang sống ở Pháp và Nguyễn Hiến Lê hoàn toàn có đủ điều kiện để sang đó định cư theo con đường hợp pháp, song ông vẫn chọn phương thức ở lại trong nước. Một số văn nghệ sĩ ngoài Bắc và nhà văn tham gia kháng chiến ở bưng biền đã tìm đến thăm ông, hỏi han sức khỏe và tình hình công việc. Nguyễn Hiến Lê tiếp chuyện họ một cách lịch sự, cầu thị, song không vồ vập. Đặc biệt, tiếp chuyện thì tiếp chuyện vậy chứ ông “không đáp lễ” (tức không đến thăm trả lễ) ai cả. Ông không muốn để ai đó hiểu lầm là ông muốn ôm chân những người của “chế độ mới”.

Tuy có những điểm bất ưng về cung cách làm việc của một số cán bộ trong chính quyền mới, song Nguyễn Hiến Lê cũng rành mạch thừa nhận: “Xét chung, các học giả miền Bắc có cảm tình với tôi; chính quyền đối với tôi cũng có biệt nhãn”. Ông cũng trung thực ghi lại lời khuyên của học giả Đào Duy Anh với ông: “Ông khuyên tôi nên coi cán bộ ở bưng về như con cháu mình, tìm hiểu họ chứ đừng trách họ. Họ gian lao chiến đấu cả chục năm, nay thành công thì tất nhiên muốn được hưởng lạc, muốn được nắm quyền và tin chắc rằng chính sách của họ đúng, phải có tin như vậy mới làm việc được. Họ ít được học, không có kinh nghiệm hành chánh, cho nên phải dò dẫm…”.

Một lần, khi thấy tình hình sức khỏe của Nguyễn Hiến Lê mỗi ngày mỗi suy, một nhân viên ở Ban Tuyên huấn Thành ủy Sài Gòn đã đề nghị giới thiệu ông vào điều trị ở Bệnh viện Thống Nhất, với chế độ dành cho cán bộ cấp cao của thành phố, Nguyễn Hiến Lê đã nhất mực từ chối. Ông giải thích thái độ đó của mình: “Tôi có công gì với Cách mạng đâu mà vô đó nằm?…Vô đó người ta gọi tôi là đồng chí, tôi sẽ mắc cỡ, chịu sao nổi?”

Nguyễn Hiến Lê sao sáng trời Nam

P. Schneider một nhà Việt Nam học người Pháp nổi tiếng với nhiều tác phẩm mà nổi bật hơn cả là cuốn “Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bạch Vân Quốc ngữ thi tập” đã có bài thơ “Ngọn đèn” (L.M. Hoàng lược dịch) tặng cụ Nguyễn Hiến Lê trong lần gặp cuối tác giả cuốn sách: Kinh Dịch đạo của người quân tử (viết xong năm 1978, xuất bản năm 1992)

NGỌN ĐÈN

Tặng Nguyễn Hiến Lê

Xe dừng tôi trước ngõ
“Anh bảo tôi ngồi dưới đèn
Để nhìn nhau cho rõ”
Thành phố đã khác xưa
Thay tên và đổi họ
Riêng một ngọn đèn đây
Hiểu lòng chung thuỷ đó
Vẫn ngọn đèn ngày nào
Bóng sáng tròn mờ tỏ
Ngoài kia là đêm đen
Tương lai đầy khốn khó
Thấy nhau một bận này
Tuyệt mù ngày tái ngộ.

Đêm trước đổi mới (1976-1986), mặc dù Nguyễn Hiến Lê biết rõ loại sách triết học của ông đang dịch và viết cũng như nhà sách Nguyễn Hiến Lê sẽ gặp nhiều khó khăn không thể tự xuất bản tác phẩm ít nhất “ trong mươi năm tới” nhưng ông “vẫn tiếp tục thực hiện cho xong chương trình đã hoạch định, rồi cứ để đó không bao giời in được cũng không sao”.

Viết xong cuốn Kinh Dịch, đạo của người quân tử, năm 1980 ông về lại Long Xuyên. Ông lâm bệnh và mất ngày 22 tháng 12 năm 1984 tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 72 tuổi. Với nhân cách lớn, ông kịp để lại hơn 20 tác phẩm nữa sau ngày đất nước thống nhất, ngoài 100 tác phẩm trước đó.

Nguyễn Hiến Lê là tấm gương đạo đức nghề nghiệp và lương tri của người trí thức, là tinh thần tự lực tự cường đã lập nhà xuất bản của riêng mình để hạ giá thành và xuất bản đúng lương tâm, là tấm gương tự học để trở thành nhà văn hoá ở đỉnh cao. Ông học rất cẩn trọng để viết và viết rất cẩn trọng để dạy làm người. Huỳnh Như Phương trong Một tượng đài của văn hoá đọc đã viết những lời rất trân trọng đối với Nguyễn Hiến Lê:

“Năm 1980, khi nhà văn Nguyễn Hiến Lê quyết định chuyển về ẩn dật ở Long Xuyên, có lẽ ông chưa thể hình dung rằng không đầy mười năm sau, sách của ông sẽ được in lại trang trọng và xuất hiện trên các quầy sách trong một thị trường văn học rất kén chọn độc giả. Lúc đó, nhìn dáng ông thong dong và lặng lẽ lui vào ngõ vắng, hẳn không ít người nghĩ rằng, cùng với sự rút lui của tác giả, những cuốn sách của ông cũng đã qua cái thời của nó.

Còn nhớ, số báo cuối cùng của tạp chí Bách khoa ra ngày 19-4-1975 đã đăng những bài kỷ niệm cuốn sách thứ 100 của Nguyễn Hiến Lê, đánh dấu kỳ tích của một người lao động sáng tạo và học thuật. Vốn là một kỹ sư công chánh từ miền Bắc vào lập nghiệp ở miền Nam, từ năm 1952 ông mới định cư hẳn ở Sài Gòn và tập trung cho nghề văn. Nếu tính từ khi cuốn sách đầu tiên được in vào năm 1949, trong vòng 30 năm, ông đã miệt mài và nghiêm cẩn sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật, trước tác để cống hiến cho đời những cuốn sách thuộc nhiều thể loại khác nhau: sách học làm người, gương danh nhân, giáo dục, chính trị, ngữ pháp, ký sự, tiểu thuyết, kinh nghiệm viết văn…, đặc biệt là những công trình biên khảo công phu và đồ sộ về triết học.

Hồi ký của Nguyễn Hiến Lê ghi lại tinh thần làm việc say mê và tính kỷ luật của ông: mỗi ngày, ông dành thời gian để sắp xếp tài liệu, ghi chép, suy nghĩ trước khi ngồi vào bàn viết. Ông có thói quen viết vào buổi sáng và buổi chiều, còn buổi tối dành để đọc sách báo. Trung bình mỗi năm ông in ba cuốn sách, tổng cộng khoảng 900 trang. Có người kêu: thời gian ở đâu mà ông viết được nhiều vậy? Ông bảo: có gì đâu mà nhiều, tình bình quân mỗi ngày chỉ viết có ba trang chứ mấy! Viết văn, nhiều người cứ ngồi chờ cảm hứng đến. Với những người như ông thì muốn có cảm hứng, phải ngồi vào bàn và cầm bút viết ra giấy. Kiên trì, nhẫn nại, toàn tâm toàn ý, Nguyễn Hiến Lê xây dựng sự nghiệp mình như vậy. Thật là đáng trọng một nghị lực, một tính cách, một nhân cách: hơn 20 năm ở Sài Gòn ông chỉ đi ăn đám cưới bốn, năm lần; ông từ chối lời mời dạy học ở Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn vì sợ thì giờ bị phân tán; hai lần ông lịch sự mà kiên quyết không nhận giải thưởng văn học nghệ thuật để giữ trọn sĩ khí của một nhà văn hoá độc lập với chính quyền.

Những người viết sách ngày nay học được rất nhiều ở Nguyễn Hiến Lê về đạo đức nghề nghiệp và lương tri của người trí thức. Sách của ông không tránh khỏi những thiếu sót nhất định do hạn chế lịch sử, nhưng ông không bao giờ viết điều gì trái với lương tâm, để mười năm, hai mươi năm sau phải hổ thẹn khi đọc lại. Ông luôn luôn đúng hẹn với các nhà xuất bản, cố gắng giao nộp bản thảo trong dạng thức hoàn chỉnh với tất cả khả năng của mình, không để sót những lỗi kỹ thuật vì vô ý. Mỗi lần sách được tái bản, ông đều xem lại, sửa chữa và bổ sung. Ông cẩn trọng đến mức, hồi dịch Chiến tranh và hoà bình, do tình hình chiến sự, ông đã chép tay trên giấy than thành ba bản: một đưa cho nhà xuất bản Lá Bối, một cất ở nhà và một gửi về quê, phòng bị thất lạc.

Những doanh nhân làm sách ngày nay còn có thể học ở Nguyễn Hiến Lê một tấm gương về tinh thần tự lực tự cường. Để không bị các nhà phát hành bóc lột, để góp phần làm giảm giá thành của sách, ông đã lập nhà xuất bản mang tên mình, tìm cách phân phối sách cho các đại lý và hàng tháng đi xe ôm thu hồi tiền bán sách. Sách của nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê, tuy hoạt động dưới thời “thực dân mới”, nhưng cuốn nào cũng mang đậm tinh thần dân tộc, không hề có những nhan đề giật gân, câu khách và những hình bìa diêm dúa như một số cuốn sách bây giờ.

Một điều nữa góp phần khẳng định Nguyễn Hiến Lê như một tượng đài của văn hoá đọc, đó là ông đã thể hiện tấm gương tự học để trở thành nhà văn hoá ở đỉnh cao. Ở Sài Gòn thời đó, ông thường xuyên nhận được những cuốn sách mới nhập về từ Âu Mỹ, ông nắm bắt thông tin về khoa học, tư tưởng trên thế giới một cách nhạy bén, kịp thời; nhưng ông không vồ vập mà cân nhắc, chọn lọc để giới thiệu cái gì có ích cho dân tộc mình. Chưa thấy ai chê ông là người nệ cổ, cũng chưa thấy ai trách ông là người sùng ngoại, xu thời.

Nguyễn Hiến Lê từng nói, để viết ra được một cuốn sách, cần phải đọc thật nhiều sách; viết là một cách học tập, học tập để mà viết. Muốn có gì để nói với mọi người, thì trước hết mình phải nạp năng lượng tri thức và tiêu hoá năng lượng. Nhờ thế, những hạt giống được gieo trong sách mới nẩy mầm và đơm hoa kết trái.”

ViengNHL3

 
Cổng chùa Phước Ân nơi ông bà Nguyễn Hiến Lê an nghỉ ở Vĩnh Thạnh Lấp Vò Đồng Tháp

HienLe1

Nguyễn Hiến Lê cốt cách người hiền, sâu sắc cứng cỏi, gần gũi thiên nhiên. Thầy sống tư cách chết yên bình giữa vùng quê yên tĩnh. Phần mộ và nơi lưu dấu của nhà văn, học giả Nguyễn Hiến Lê tại chùa Phước Ân xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp thật thanh thản và khiêm nhường. Con người ấy, văn chương ấy quý giá biết bao!

HienLe4

Bàn thờ cụ Nguyễn Hiến Lê trong chùa Phước Ân

Tôi thành kính dâng hương và ngắm nhìn kỹ những dòng chữ: “NGUYỄn HIẾN LÊ từ trần 22.12.1984 (1.12 Giáp Tý) Hưởng thọ 74 tuổi; Tì kheo Ni THÍCH NỮ HUỆ ĐỨC Thế danh Nguyễn Thị Liệp sanh 1909 Kỷ Dậu, Viên tịch 8.7.1999 (26.5 Kỷ Mão); “PHỤNG VỊ PHƯỚC AN ĐƯỜNG THƯỢNG,TỬ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG, TỬ THẬP NHẤT THẾ, húy NHỰT KÍNH, hiệu THIỆN CHÍ NGUYỂN CÔNG HÒA THƯỢNG, GIÁC LINH LIÊN TÒA”. Tôi ngắm nhìn rặng dừa, đồng ruộng và ngộ ra được rất nhiều điều…

NguyenHienLe

Tuyển tập Nguyễn Hiến Lê hiện có tại nhà sách sông Hương. Các ông Nguyễn Quang Thắng, Châu Hải Kỳ lưu giữ nhiều thông tin và trước tác về người Thầy lỗi lạc này.

Nguyễn Hiến Lê sao sáng trời Nam.

HienLe2
HienLe3

Lời kính yêu gửi Cụ

(*) Tôi (Hoàng Kim) lặng lẽ theo cụ Nguyễn Hiến Lê để học và viết. Năm nào ngày sanh và ngày mất của Người, tôi đều quay lại bài này. Nay Châu Trần Trần Ái Châu Quản Trị Mekongrice đưa lên “Món cá nướng trui, đặc thù từ thời khai hoang của vùng Nam Bộ” trong danh tác Nguyễn Hiến Lê “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười”, đọc lại mà sướng quá. Nguyễn Hiến Lê sao sáng trời Nam. Thích!

Món cá nướng trui, đặc thù từ thời khai hoang của vùng Nam Bộ
Châu Trần 02/04/2021

MKR- Tôi và anh Bình cùng đi đến vùng đất Đồng Tháp Mười. Hồi hôm chúng tôi nhậu tới khuya nên sáng ra thức dậy trễ. Mặt trời đã lên làm đỏ rực cánh đồng. Anh Bình, người bạn quê ở Hà nội. Tôi nói: -Bây giờ mới sáu giờ. Sáng nay chúng ta đi coi cảnh chung quanh. Trưa trở lại đây ăn cơm. Anh Tư định đãi chúng ta món thịt rùa và cá trui. Anh Bình hỏi: -Cá trui là cá gì?… Xem thêm

Tôi kể:
-Hơn 300 năm về trước, các chúa Nguyễn kêu gọi những người dân xứ Thuận Quảng đi vào vùng đất Nam bộ này để khẩn hoang. Lúc đó hành trang họ mang theo thường chỉ có chiếc xuồng, cái rựa, và chiếc nóp.

Vũng đất mới này sông rạch chằng chịt. Nhiều thú dữ:
Dưới sông sấu lội
Trên bờ cọp đua.

Đĩa muỗi như rừng:
Muỗi kêu như sáo thổi
Đĩa lềnh tựa bánh canh.

***
Những người dân đi khẩn đất không có nhiều gạo để mang theo. Họ ăn uống dè xẻn, thiếu thốn. Ăn ít cơm, thường ăn kèm những thức ăn có sẵn săn bắt được xung quanh.

May mắn vùng đất có nhiều sông nước này cũng là nơi có nhiều cá. Cá sống nhiều trong các sông, con mương, kinh xẽo, rạch vàm đều có nhiều cá cư ngụ. Cá nơi này dễ kiếm. Và người dân thường ăn cá kèm với ăn cơm.

***
Cá trở thành thực phẩm trời giúp cho những người dân nghèo trong công cuộc khẩn hoang vùng đất mới. Và món cá nướng dễ làm, ăn ngon, nhiều dinh dưỡng trở nên phù hợp rồi quen thuộc với cuộc sống thiếu thốn nơi này.

Thời gian qua, món cá nướng trở thành món ăn truyền thống và trở thành món ăn đặc thù thời khai hoang của vùng đất Nam Bộ.

***
Đến trưa chúng tôi quay trở lại chòi của anh Tư. Đi quanh, lội ruộng làm chúng tôi đói bụng. Khi chúng tôi vừa bước vô nhà thì mùi cá nướng ở nhà sau đã bốc lên thơm ngát. Mùi khét của cá cháy thơm ngát mũi, kích thích cảm giác đói bụng và thèm ăn của chúng tôi.

Anh Tư ở nhà sau nói vọng lên:
-Tui đang bận nướng cá. Mời mấy thầy đi ra sau này luôn.

***
Tôi vừa đi ra nhà sau vừa nói với anh Bình:
-Trui là nướng sơ. Lấy que tre nhọn xuyên qua mình một con cá từ đầu xuống tới đuôi, trét bùn đầy mình con cá rồi cấm que tre xuống đất, lấy rơm hoặc cỏ khô đắp lên đốt. Khi nào lớp bùn khô nứt ra, là cá chín. Bóc lớp da và vẩy bỏ đi rồi ăn ngay thịt cá khi còn nóng. Món ăn ấy cũng đáng gọi là một giai vị món ăn nơi đây.

***
Anh Tư bắt vài con cá lóc câu cắm được hồi hôm đang rọng ở trong lu ra. Anh rửa sạch, dùng que tre xuyên cá từ đầu đến đuôi rồi vùi cá vào đống rơm có cả cỏ khô. Anh châm lửa đốt. Thỉnh thoàng lấy quạt quạt lui tới cho lữa cháy đều. Rơm cỏ cháy gần hết anh lại lấy rơm cỏ khác phủ lên và đốt tiếp. Môt hồi cá chín.

-Cá lóc phải nướng trui thì ăn mới ngon.

Anh Tư vừa cạo bỏ lớp vẩy đã cháy xém và để cá lên mâm là một cái lá sen lớn vừa nói. Dĩa rau anh chuẩn bị gồm có các đọt vừng, cọng súng, rau dừa … mấy thứ rau đồng mọc phổ biến sau nhà, trong lung, ngoài ruộng nơi đây.

***
Chúng tôi ngồi quây quần bên “mâm” cá lóc nướng trui nóng hổi. Anh Bình nhìn tôi bốc miếng cá còn vương những sợi khói, cuốn với rau, chấm vào chén muối ớt bỏ vào miệng.

Tôi nhai từ từ: Mùi thơm của cá nướng, vị ngọt béo của cá quyện lẫn trong các loại rau đồng. Như cảm được bao nhiêu đất trời sông nước ruộng đồng thu gọn vào trong một miếng ăn. Cả hình ảnh những người dân nghèo chèo xuồng đi khẩn đất vùng Nam bộ nhiều nguy hiểm này cũng hiện về.

Anh Bình rót vội rượu trong chai ra một ly “xây chừng” đầy và để trước mặt tôi./.

Châu Trần- Trần Ái Châu
Tham khảo:
Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười- Nhà văn Nguyễn Hiến Lê

(**)

HoangKim, NgocphuongNam on said:

HỌC MỖI NGÀY. Cụ Nguyễn Hiến Lê là người thẳng thắn, chân thực, nói và viết đều không trái lòng mình. Ngòi bút Cụ chỉ đắn đo, viết chậm lại khi hoàn cảnh không cho phép nhưng khen chê thật thận trọng, đúng mức. Tôi (HK) là người của chế độ mới, ứa nước mắt và nghẹn lời khi Cụ thẳng thắn chỉ ra những lỗi phải sửa.

BLOG NGUYỄN VĂN TUẤN. Cụ Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) là một nhà đại trí thức của Miền Nam. Trước 1975, cụ không thích chính quyền Miền Nam của ông Thiệu. Nhưng cụ đã tỉnh ngộ sau khi sống 5 năm dưới chế độ cộng sản. 1980, cụ cắt bỏ hộ khẩu ở Sài Gòn và lật đật về quê. “Năm 1980 ông về lại Long Xuyên. Cùng năm ông bắt đầu viết Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, đến tháng 9 năm 1980 thì hoàn thành.” (nguồn). Các tác phẩm của cụ ở đây. https://hoangkimlong.wordpress.com/2013/06/06/nguyen-hien-le-hoc-va-viet/

HỒI KÝ NGUYỄN HIẾN LÊ
Theo blog Nguyễn Văn Tuấn
Chia sẻ bài viết này
29-8-2013

Hôm nay, đọc lại hồi kí của cụ NHL thấy cụ viết nhiều điều vẫn còn tính thời sự. Xin trích vài đoạn bị cắt khỏi bản in ở VN nhưng in đầy đủ bản trên mạng và xuất bản bên Mĩ. Ông viết về tình trạng y tế, tư pháp, xã hội, kì thị vùng miền, và đạo đức xuống cấp sau 1975. Một số sự thật này chắc còn xa lạ với các bạn trẻ, nhưng đọc để “ôn cố tri tân” thì cũng có ích.

===

“Y tế

Dân trong ấp, xã bị bệnh thì lại họ (nhân viên y tế nông thôn) trước, họ không trị được thì đưa ngay lên quận; quận có bác sĩ đa khoa, trị không được thì đưa ra tỉnh; tỉnh có bác sĩ chuyên khoa, đủ dụng cụ, đủ thuốc… Lần lần nhân viên y tế nông thôn vừa làm việc vừa học thêm, có thể lãnh trách nhiệm quan trọng hơn, đưa lên giúp việc ở quận. Chính sách đó rất họp lí và chính quyền mình cũng đã áp dụng nó. Đó là một điểm tấn bộ.

Nhưng vì chiến tranh, nhân viên y tế các cấp của mình da số ít được học, nên chúng ta thấy những y sĩ (y sĩ Bắc có quyền ra toa, nhưng kém bác sĩ một bực), học chỉ tới lớp năm (hết cấp I), chỉ biết dăm chục tên thuốc, không biết đo huyết áp, không biết thế nào là đau mắt hột… chỉ đáng làm một nhân viên y tế nông thôn thôi. Còn bác sĩ được đào tạo ở Bắc thì xét chung, sự hiểu biết cũng kém xa bác sĩ đào tạo ở Nam… Nhân viên y tế nông thôn cũng thiếu, tinh thần trách nhiệm rất thấp: một huyện nọ người ta tiêm thuốc ngừa dịch tả cho ba người lớn và chín trẻ em thì tám trẻ chết.

Tệ nhất là nạn thiếu thuốc, thiếu cả thuốc đỏ, thuốc tím, do đó sinh ra nạn ăn cắp thuốc, ra toa cho người không có bệnh để họ bán thuốc chợ đen.

Cũng may mà có hằng trăm ngàn kiều bào ở ngoại quốc gửi thuốc về giúp thân nhân, nếu không sức khoẻ của dân sa sút không biết tới đâu.

Tệ nhất là nạn thiếu vệ sinh… từ cơ quan tới đường sá, tư gia, đâu đâu cũng dơ dáy… Nhiều cơ quan nuôi gà, heo ngay trong phòng của họ, và từ trên lầu thượng họ trút nươc dơ xuống đường. Phòng bệnh nhân trong các bệnh viện hôi hám không chịu nổi; phải bịt mũi khi đi tới gần cầu tiêu… người ta phóng uế đầy đường.

Tư pháp

Từ năm 1975, trường luật bị bãi bỏ. Sinh viên luật có thể xin chuyển qua ngành kinh tế, ra làm các ngân hàng. Nhưng đa số bỏ học, làm phu khuân vác, đạp xích lô… Đó là chuyện 1975. Nay thì thanh niên trí thức làm đủ các việc lao động rồi, bổ củi mướn, chở cát, vác gạo…, không ai ngạc nhiên, mà cũng không ai thương hại cho họ nữa, họ dễ dàng kiếm được vài ba chục đồng một ngày mà lại tự do, chứ không làm thư kí ngân hàng 40 đồng một tháng thì sống sao nổi. Vả lại lao động là vinh quang mà. Nữ sinh viên thì bán thuốc lá rời hoặc quần áo cũ ở lề đường.

Năm 1975 có lần tổ chúng tôi họp để xử một người trong tổ mắc một tội nào đó tôi không nhớ. Ông tổ trưởng đề nghị hai cách trừng trị… Cách nào được nhiều người đồng ý thì theo cách đó… Khi phường có toà án nhân dân rồi (năm 1978?) thì để toà xử. Một “ông toà” là học trò cũ của một bạn tôi. Tôi hỏi cậu ta: “Cháu xử theo luật nào?” Cậu ta cười, đáp: Cháu đặt ra luật để xử – Thực vậy sao? – Dạ, bây giờ ai đặt luật cũng được. Vì có bộ luật nào đâu?

Thất bại trong hoà bình

Thất bại lớn nhất, theo tôi là không đoàn kết được quốc dân. Tháng 5-1975, có ít nhất là 90% người miền Nam hướng về miền Bắc, mang ơn miền Bắc đã đuổi được Mĩ đi, lập lại hoà bình, và ai cũng có thiện chí tận lực làm việc để xây dựng lại quốc gia. Nhưng chỉ sáu bảy tháng sau, cuối năm 1975 đã có đa số người Nam chán chế độ ngoài Bắc, chán đồng bào Bắc…

Nguyên nhân chính theo tôi là người miền Bắc vơ đũa cả nắm, coi người Nam là “nguỵ” hết, truỵ lạc, bị nhiễm độc nặng của Mĩ. Ngay hạng trí thức miền Bắc như ông Đào Duy Anh cũng có thành kiến là dân Sài Gòn hư hỏng quá rồi. Họ chỉ nhìn bề ngoài… Bọn thanh niên hư hỏng ở Sài Gòn mới có nhiều, mà tỉ số không cao so với những thanh niên đứng đắn.

Người Bắc coi người Nam là nguỵ, đối xử người Nam như những thực dân da trắng đối với dân “bản xứ”, tự cao tự đại, tự cho rằng về điểm nào cũng giỏi hơn người Nam, đã thắng được Mĩ thì cái gì cũng làm được. Chỉ cho họ chỗ sai lầm trong công việc thì họ bịt miệng người ta bằng câu: “Tôi là kháng chiến, anh là nguỵ thì tôi mới có lí, anh đừng nói nữa”. Chẳng bao lâu người Nam thấy đa số những kẻ tự xưng là kháng chiến, cách mạng đó, được Hồ Chủ tịch dạy dỗ trong mấy chục năm đó, chẳng những dốt về văn hoá, kĩ thuật – điều này không có gì đáng chê, vì chiến tranh, họ không được học – thèm khát hưởng lạc, ăn cắp, hối lộ, nói xấu lẫn nhau, chài bẩy nhau… Từ đó người Nam chẳng những có tâm trạng khinh kháng chiến mà còn tự hào mình là nguỵ nữa, vì nguỵ có tư cách hơn kháng chiến. Và người ta đâm ra thất vọng khi thấy chân diện mục của một số anh em cách mạng đó, thấy vài nét của xã hội miền Bắc: bạn bè hàng xóm tố cáo lẫn nhau, con cái không dám nhận cha mẹ, học trò cấp II đêm tới đón đường cô giáo để bóp vú… Thì ra: “Nhìn xa ngỡ tượng tô vàng…”

Ngay giữa các đồng chí cũng không có tinh thần đoàn kết…Chính vì thiếu đoàn kết nên trong cuộc hội họp nào người ta cũng hô hào “Đoàn kết, đại đoàn kết”. Còn ở trong phòng họp thì ai cũng hoan hô tinh thần đoàn kết, ra khỏi phòng rồi thì hết đoàn kết. Người ta chỉ đoàn kết với nhau vì quyền lợi thôi; do đó mà có tinh thần bè phái, gia đình trị, và miền Bắc có câu này: nhất thân, nhì thế, tam quyền, tứ chế.

Xã hội sa đoạ

Ở tỉnh nào cũng có một số cán bộ tham nhũng, cấu kết với nhau thành một tổ chức ăn đút ăn lót một cách trắng trợn, không cần phải lén lút. Có giá biểu đàng hoàng… Nếu một cán bộ nào bị dân tố cáo nhiều quá thì người ta cũng điều tra, đưa cán bộ đó tới một cơ quan khác (có khi còn dễ kiếm ăn hơn cơ quan cũ), đem người khác (cũng tham nhũng nữa) lại thay. Ít tháng sau dân chúng nguôi ngoai rồi, người ta lại đưa kẻ có tội về chỗ cũ. Người ta bên vực nhau (cũng là đảng viên cả mà) vì ăn chịu với nhau rồi. Dân thấy vậy, chán, không phí sức tố cáo nữa. Có người còn bảo: “Chống chúng làm gì? Nên khuyến khích chúng sa đoạ thêm chứ để chúng mau sụp đổ…”

Lớn ăn cắp lớn, nhỏ ăn cắp nhỏ. Ăn cắp nhỏ thì chỉ bị đuổi chớ không bị tội, vì “họ nghèo nên phải ăn cắp”, mà nhốt khám họ thì chỉ tốn gạo nuôi… Ăn cắp lớn, không thể ỉm được thì phải điều tra, bắt giam ít lâu, rồi nhân một lễ lớn nào đó, ân xá; không xin ân xá cho họ được thì đồng đảng tổ chức cho vượt ngục rồi cùng với gia đình vượt biên yên ổn.

Trong một xã hội như vậy, con người dễ mất hết nhân phẩm, hoá ra đê tiện, tham lam, bất lương, nói láo, không còn tình người gì cả.

Năm 1975 đa số các cán bộ, công nhân viên ở Bắc vào thăm gia đình, họ hàng ở trong Nam, còn giữ chút thể diện “cách mạng”, bà con trong này tặng họ gì thì họ nhận, chứ không đòi; về sau họ không giữ kẽ nữa, tặng họ một thì họ xin hai, không tặng họ cũng đòi, khiến một ông bạn tôi bực mình, nhất định đóng cửa không tiếp một người bà con, bạn bè nào ở Bắc vào nữa…

Một nhà văn đất Bắc làm cho một tờ báo nọ nhờ một nhà văn trong Nam viết bài, hứa sẽ trả bao nhiêu đó. Viết rồi, đưa họ, họ đăng, nhưng kí tên của họ rồi đưa cho nhà văn trong Nam nửa số tiền nhuận bút thôi, còn họ giữ lại một nửa. Vừa ăn cắp văn, vừa ăn chặn tiền. Chưa bao giờ miền Nam có bọn cầm bút bẩn thỉu như vậy. Một bạn học giả của tôi ở Bắc khuyên tôi đừng giao bản thảo của tôi cho ai hết, không tin ai được cả, họ sẽ đạo văn.

Sống dưới chế độ cộng sản, con người hoá ra có hai mặt như Sakharov đã nói: chỉ giữa người thân mới để lộ mặt thật, còn thì phải đeo mặt nạ; luôn luôn phải đề phòng bạn bè, láng giềng, có khi cả người trong nhà nữa. Người ta tính cứ 5 người thì có 1 người kiểm soát từng ngôn ngữ, hành vi của 4 người kia… Ở Nga thời Staline như vậy, ở Bắc những năm 1954-1960 cũng gần như vậy; ở Nam đỡ hơn vì đa số người trong này không chịu làm thứ mật thám chìm đó…

Mình theo cả những lầm lẫn của người

So sánh những nhận xét của tôi ở trên với những điều tôi đã được đọc trong mươi cuốn về đời sống ở Nga Sô, Trung cộng, tôi thấy chính sách của mình y hệt như chính sách của hai nước đàn anh đó, những lầm lẫn của mình chính là những lầm lẫn của họ.

Năm 1947, sau 30 năm cách mạng dân Nga cũng bị nhồi sọ như dân mình, xã hội cũng có những sự bất công… cũng có nạn bè phái như mình; cũng có lệ mhốn thưởng một cán bộ thì cho thêm một số tiền bỏ vào bao thư riêng; các ông lớn của họ cũng cách biệt quần chúng như ở nước mình;những kẻ gian trá cũng có thể lén lút làm mọi cái xấu xa, miễn là đừng chống chính quyền; người Nga nào cũng có hai mặt, ra ngoài thì khác như mình.

Họ cũng trọng hồng hơn chuyên, cũng thay đổi chủ trương, chương trình liền liền, thợ họ cũng không đủ ăn, công việc gì cũng không chạy; cán bộ của họ cũng sợ trách nhiệm như cán bộ mình; chính sách cải tạo còn tàn nhẫn hơn chính sách của mình; sự tổ chức bầu cử y như mình, v.v…

Trung Hoa cũng có thời “trăm hoa đua nở” rồi mấy tháng sau hoa lại bị cấm nở; trăm hoa của mình cũng đua nở sau Trung Hoa ít tháng, và cũng bị cấm nở sau họ ít tháng. Năm 1966 mình khôn hơn Trung Hoa là không làm cách mạng văn hoá, nhưng năm 1978 mình cũng đã chuẩn bị kĩ để phát động một cuộc cách mạng văn hoá như họ, tính đốt hết các sách báo ở miền Nam… cách thức phụ cấp cho sinh viên, đối đãi với trí thức, chính sách học tập chính trị, hội họp ở phường, ấp, dăng, dán biểu ngữ ở khắp nơi, phát thanh bằng loa oang oang mà không ai buồn nghe…; cả lối giáo dục trẻ em, bổ túc văn hoá, công trình khai quật cồ tích chung quanh đền Hùng… mình đều theo sát gót Mao Trạch Đông.

Tôi có cảm tưởng rằng mình chép đúng đường lối của hai nước đàn anh, không xét hoàn cảnh, dân tình, phong tục của mình có khác họ hay không. Tôi chưa thấy mình có một sáng kiến gì cả, ngay cả những danh từ như biên chế, phụ đạo, tham quan, tranh thủ… mình cũng chép nguyên của Trung Hoa.”

(hết trích)

Nguyễn Hiến Lê sao sáng
Hoàng Kim

Tài liệu tham khảo chính
1) Nguyễn Hiến Lê, 1980. “Đời viết văn của tôi” Nhà Xuất bản Văn hoá, Hà Nội, 1996, 400 trang;
2) Châu Hải Kỳ (2007). Nguyễn Hiến Lê – Cuộc đời & Tác phẩm. TP. Hồ Chí Minh: NXB Văn học ;
3) Hoàng Kim (2007) Nguyễn Hiến Lê http://danhnhanviet.blogspot.com/2007/12/nguyn-hin-l.html;
4) Hoàng Kim (2011) Phan Ngọc Hiền: Rành mạch như Nguyễn Hiến Lê http://dayvahoc.blogspot.com/2011/03/ranh-mach-nhu-nguyen-hien-le.html ;
5) Tiểu sử học giả Nguyễn Hiến Lê theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam – Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội in trong “Kinh Dịch, đạo của người quân tử”, Nhà Xuất bản Văn học 1992, trang 7-8;
6) TUYỂN TẬP NGUYỄN HIẾN LÊ trên Nhà sách Sông Hương ;
7) Trung Thu ( 2010) Tìm mộ cụ Nguyễn Hiến Lê http://phapluattp.vn/20100101044224103p1112c1113/tim-mo-cu-nguyen-hien-le.htm;
8)  Bách khoa toàn thư mở Wikipedia Tiếng Việt: Nguyễn Hiến Lê http://vi.wikipedia.org/wiki/ Nguyen_Hien_Le;
9) Trương Vĩnh Khánh 2013. Đôi dòng về học giả Nguyễn Hiến Lê. Vũ Ngọc Tiến đăng trên Viet-studies ngày 5.6.2013  http://www.viet-studies.info/NguyenHienLe_TruongVinhKhanh.htm

Học với chữ Hán Nôm
NGUYỄN HIẾN LÊ SAO SÁNG
Hoàng Kim
https://hoangkimlong.wordpress.com/category/nguyen-hien-le-sao-sang/

CHIẾT TỰ ĐOÁN KINH DỊCH

Hòa 和 [hé] = hòa bình, an bình. Bên trái của chữ, có chữ Hoà 禾 là cây lúa (lúa là nguồn sống để nuôi sống thể hài, là vật-chất), bên phải là chữ khẩu 口 là cái miệng dùng để ăn uống, nói, tượng trưng cho tinh thần) . Hòa 和 được coi là chữ Hán Nôm mang tinh thần văn hóa phương Đông đậm nét nhất. Chữ Hòa 和 hàm ý về hòa bình, sự cân bằng, hài hòa, ”cái miệng mà có đủ lúa mà ăn thì sống sẽ hòa hợp”

Bài viết mới trên CNM365 Tình yêu cuộc sống
DẠY VÀ HỌC http://hoangkimvn.wordpress.com
CNM365, ngày mới nhất bấm vào đây   cập nhật mỗi ngày


Video yêu thích
Kỷ niệm 65 năm Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh
KimYouTube

Trở về trang chính
Hoàng Kim Long, Ngọc Phương Nam Thung dung Dạy và Học, Việt Nam Học, Cây Lương thực Việt Nam, Tình yêu Cuộc sống, CNM365; Kim on LinkedIn Kim on Facebook Kim on Twitter

10 thoughts on “Nguyễn Hiến Lê sao sáng

  1. Pingback: Hồi kí Nguyễn Hiến Lê 1975-1980 « Trần Hoàng Blog

  2. HỌC MỖI NGÀY. Cụ Nguyễn Hiến Lê là người thẳng thắn, chân thực, nói và viết đều không trái lòng mình. Ngòi bút Cụ chỉ đắn đo, viết chậm lại khi hoàn cảnh không cho phép nhưng khen chê thật thận trọng, đúng mức. Tôi (HK) là người của chế độ mới, ứa nước mắt và nghẹn lời khi Cụ thẳng thắn chỉ ra những lỗi phải sửa.

    BLOG NGUYỄN VĂN TUẤN. Cụ Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) là một nhà đại trí thức của Miền Nam. Trước 1975, cụ không thích chính quyền Miền Nam của ông Thiệu. Nhưng cụ đã tỉnh ngộ sau khi sống 5 năm dưới chế độ cộng sản. 1980, cụ cắt bỏ hộ khẩu ở Sài Gòn và lật đật về quê. “Năm 1980 ông về lại Long Xuyên. Cùng năm ông bắt đầu viết Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, đến tháng 9 năm 1980 thì hoàn thành.” (nguồn). Các tác phẩm của cụ ở đây. https://hoangkimlong.wordpress.com/2013/06/06/nguyen-hien-le-hoc-va-viet/

    HỒi KÝ NGUYỄN HIẾN LÊ

    Theo blog Nguyễn Văn Tuấn

    Chia sẻ bài viết này

    29-8-2013

    Hôm nay, đọc lại hồi kí của cụ NHL thấy cụ viết nhiều điều vẫn còn tính thời sự. Xin trích vài đoạn bị cắt khỏi bản in ở VN nhưng in đầy đủ bản trên mạng và xuất bản bên Mĩ. Ông viết về tình trạng y tế, tư pháp, xã hội, kì thị vùng miền, và đạo đức xuống cấp sau 1975. Một số sự thật này chắc còn xa lạ với các bạn trẻ, nhưng đọc để “ôn cố tri tân” thì cũng có ích.

    ===

    “Y tế

    Dân trong ấp, xã bị bệnh thì lại họ (nhân viên y tế nông thôn) trước, họ không trị được thì đưa ngay lên quận; quận có bác sĩ đa khoa, trị không được thì đưa ra tỉnh; tỉnh có bác sĩ chuyên khoa, đủ dụng cụ, đủ thuốc… Lần lần nhân viên y tế nông thôn vừa làm việc vừa học thêm, có thể lãnh trách nhiệm quan trọng hơn, đưa lên giúp việc ở quận. Chính sách đó rất họp lí và chính quyền mình cũng đã áp dụng nó. Đó là một điểm tấn bộ.

    Nhưng vì chiến tranh, nhân viên y tế các cấp của mình da số ít được học, nên chúng ta thấy những y sĩ (y sĩ Bắc có quyền ra toa, nhưng kém bác sĩ một bực), học chỉ tới lớp năm (hết cấp I), chỉ biết dăm chục tên thuốc, không biết đo huyết áp, không biết thế nào là đau mắt hột… chỉ đáng làm một nhân viên y tế nông thôn thôi. Còn bác sĩ được đào tạo ở Bắc thì xét chung, sự hiểu biết cũng kém xa bác sĩ đào tạo ở Nam… Nhân viên y tế nông thôn cũng thiếu, tinh thần trách nhiệm rất thấp: một huyện nọ người ta tiêm thuốc ngừa dịch tả cho ba người lớn và chín trẻ em thì tám trẻ chết.

    Tệ nhất là nạn thiếu thuốc, thiếu cả thuốc đỏ, thuốc tím, do đó sinh ra nạn ăn cắp thuốc, ra toa cho người không có bệnh để họ bán thuốc chợ đen.

    Cũng may mà có hằng trăm ngàn kiều bào ở ngoại quốc gửi thuốc về giúp thân nhân, nếu không sức khoẻ của dân sa sút không biết tới đâu.

    Tệ nhất là nạn thiếu vệ sinh… từ cơ quan tới đường sá, tư gia, đâu đâu cũng dơ dáy… Nhiều cơ quan nuôi gà, heo ngay trong phòng của họ, và từ trên lầu thượng họ trút nươc dơ xuống đường. Phòng bệnh nhân trong các bệnh viện hôi hám không chịu nổi; phải bịt mũi khi đi tới gần cầu tiêu… người ta phóng uế đầy đường.

    Tư pháp

    Từ năm 1975, trường luật bị bãi bỏ. Sinh viên luật có thể xin chuyển qua ngành kinh tế, ra làm các ngân hàng. Nhưng đa số bỏ học, làm phu khuân vác, đạp xích lô… Đó là chuyện 1975. Nay thì thanh niên trí thức làm đủ các việc lao động rồi, bổ củi mướn, chở cát, vác gạo…, không ai ngạc nhiên, mà cũng không ai thương hại cho họ nữa, họ dễ dàng kiếm được vài ba chục đồng một ngày mà lại tự do, chứ không làm thư kí ngân hàng 40 đồng một tháng thì sống sao nổi. Vả lại lao động là vinh quang mà. Nữ sinh viên thì bán thuốc lá rời hoặc quần áo cũ ở lề đường.

    Năm 1975 có lần tổ chúng tôi họp để xử một người trong tổ mắc một tội nào đó tôi không nhớ. Ông tổ trưởng đề nghị hai cách trừng trị… Cách nào được nhiều người đồng ý thì theo cách đó… Khi phường có toà án nhân dân rồi (năm 1978?) thì để toà xử. Một “ông toà” là học trò cũ của một bạn tôi. Tôi hỏi cậu ta: “Cháu xử theo luật nào?” Cậu ta cười, đáp: Cháu đặt ra luật để xử – Thực vậy sao? – Dạ, bây giờ ai đặt luật cũng được. Vì có bộ luật nào đâu?

    Thất bại trong hoà bình

    Thất bại lớn nhất, theo tôi là không đoàn kết được quốc dân. Tháng 5-1975, có ít nhất là 90% người miền Nam hướng về miền Bắc, mang ơn miền Bắc đã đuổi được Mĩ đi, lập lại hoà bình, và ai cũng có thiện chí tận lực làm việc để xây dựng lại quốc gia. Nhưng chỉ sáu bảy tháng sau, cuối năm 1975 đã có đa số người Nam chán chế độ ngoài Bắc, chán đồng bào Bắc…

    Nguyên nhân chính theo tôi là người miền Bắc vơ đũa cả nắm, coi người Nam là “nguỵ” hết, truỵ lạc, bị nhiễm độc nặng của Mĩ. Ngay hạng trí thức miền Bắc như ông Đào Duy Anh cũng có thành kiến là dân Sài Gòn hư hỏng quá rồi. Họ chỉ nhìn bề ngoài… Bọn thanh niên hư hỏng ở Sài Gòn mới có nhiều, mà tỉ số không cao so với những thanh niên đứng đắn.

    Người Bắc coi người Nam là nguỵ, đối xử người Nam như những thực dân da trắng đối với dân “bản xứ”, tự cao tự đại, tự cho rằng về điểm nào cũng giỏi hơn người Nam, đã thắng được Mĩ thì cái gì cũng làm được. Chỉ cho họ chỗ sai lầm trong công việc thì họ bịt miệng người ta bằng câu: “Tôi là kháng chiến, anh là nguỵ thì tôi mới có lí, anh đừng nói nữa”. Chẳng bao lâu người Nam thấy đa số những kẻ tự xưng là kháng chiến, cách mạng đó, được Hồ Chủ tịch dạy dỗ trong mấy chục năm đó, chẳng những dốt về văn hoá, kĩ thuật – điều này không có gì đáng chê, vì chiến tranh, họ không được học – thèm khát hưởng lạc, ăn cắp, hối lộ, nói xấu lẫn nhau, chài bẩy nhau… Từ đó người Nam chẳng những có tâm trạng khinh kháng chiến mà còn tự hào mình là nguỵ nữa, vì nguỵ có tư cách hơn kháng chiến. Và người ta đâm ra thất vọng khi thấy chân diện mục của một số anh em cách mạng đó, thấy vài nét của xã hội miền Bắc: bạn bè hàng xóm tố cáo lẫn nhau, con cái không dám nhận cha mẹ, học trò cấp II đêm tới đón đường cô giáo để bóp vú… Thì ra: “Nhìn xa ngỡ tượng tô vàng…”

    Ngay giữa các đồng chí cũng không có tinh thần đoàn kết…Chính vì thiếu đoàn kết nên trong cuộc hội họp nào người ta cũng hô hào “Đoàn kết, đại đoàn kết”. Còn ở trong phòng họp thì ai cũng hoan hô tinh thần đoàn kết, ra khỏi phòng rồi thì hết đoàn kết. Người ta chỉ đoàn kết với nhau vì quyền lợi thôi; do đó mà có tinh thần bè phái, gia đình trị, và miền Bắc có câu này: nhất thân, nhì thế, tam quyền, tứ chế.

    Xã hội sa đoạ

    Ở tỉnh nào cũng có một số cán bộ tham nhũng, cấu kết với nhau thành một tổ chức ăn đút ăn lót một cách trắng trợn, không cần phải lén lút. Có giá biểu đàng hoàng… Nếu một cán bộ nào bị dân tố cáo nhiều quá thì người ta cũng điều tra, đưa cán bộ đó tới một cơ quan khác (có khi còn dễ kiếm ăn hơn cơ quan cũ), đem người khác (cũng tham nhũng nữa) lại thay. Ít tháng sau dân chúng nguôi ngoai rồi, người ta lại đưa kẻ có tội về chỗ cũ. Người ta bên vực nhau (cũng là đảng viên cả mà) vì ăn chịu với nhau rồi. Dân thấy vậy, chán, không phí sức tố cáo nữa. Có người còn bảo: “Chống chúng làm gì? Nên khuyến khích chúng sa đoạ thêm chứ để chúng mau sụp đổ…”

    Lớn ăn cắp lớn, nhỏ ăn cắp nhỏ. Ăn cắp nhỏ thì chỉ bị đuổi chớ không bị tội, vì “họ nghèo nên phải ăn cắp”, mà nhốt khám họ thì chỉ tốn gạo nuôi… Ăn cắp lớn, không thể ỉm được thì phải điều tra, bắt giam ít lâu, rồi nhân một lễ lớn nào đó, ân xá; không xin ân xá cho họ được thì đồng đảng tổ chức cho vượt ngục rồi cùng với gia đình vượt biên yên ổn.

    Trong một xã hội như vậy, con người dễ mất hết nhân phẩm, hoá ra đê tiện, tham lam, bất lương, nói láo, không còn tình người gì cả.

    Năm 1975 đa số các cán bộ, công nhân viên ở Bắc vào thăm gia đình, họ hàng ở trong Nam, còn giữ chút thể diện “cách mạng”, bà con trong này tặng họ gì thì họ nhận, chứ không đòi; về sau họ không giữ kẽ nữa, tặng họ một thì họ xin hai, không tặng họ cũng đòi, khiến một ông bạn tôi bực mình, nhất định đóng cửa không tiếp một người bà con, bạn bè nào ở Bắc vào nữa…

    Một nhà văn đất Bắc làm cho một tờ báo nọ nhờ một nhà văn trong Nam viết bài, hứa sẽ trả bao nhiêu đó. Viết rồi, đưa họ, họ đăng, nhưng kí tên của họ rồi đưa cho nhà văn trong Nam nửa số tiền nhuận bút thôi, còn họ giữ lại một nửa. Vừa ăn cắp văn, vừa ăn chặn tiền. Chưa bao giờ miền Nam có bọn cầm bút bẩn thỉu như vậy. Một bạn học giả của tôi ở Bắc khuyên tôi đừng giao bản thảo của tôi cho ai hết, không tin ai được cả, họ sẽ đạo văn.

    Sống dưới chế độ cộng sản, con người hoá ra có hai mặt như Sakharov đã nói: chỉ giữa người thân mới để lộ mặt thật, còn thì phải đeo mặt nạ; luôn luôn phải đề phòng bạn bè, láng giềng, có khi cả người trong nhà nữa. Người ta tính cứ 5 người thì có 1 người kiểm soát từng ngôn ngữ, hành vi của 4 người kia… Ở Nga thời Staline như vậy, ở Bắc những năm 1954-1960 cũng gần như vậy; ở Nam đỡ hơn vì đa số người trong này không chịu làm thứ mật thám chìm đó…

    Mình theo cả những lầm lẫn của người

    So sánh những nhận xét của tôi ở trên với những điều tôi đã được đọc trong mươi cuốn về đời sống ở Nga Sô, Trung cộng, tôi thấy chính sách của mình y hệt như chính sách của hai nước đàn anh đó, những lầm lẫn của mình chính là những lầm lẫn của họ.

    Năm 1947, sau 30 năm cách mạng dân Nga cũng bị nhồi sọ như dân mình, xã hội cũng có những sự bất công… cũng có nạn bè phái như mình; cũng có lệ mhốn thưởng một cán bộ thì cho thêm một số tiền bỏ vào bao thư riêng; các ông lớn của họ cũng cách biệt quần chúng như ở nước mình;những kẻ gian trá cũng có thể lén lút làm mọi cái xấu xa, miễn là đừng chống chính quyền; người Nga nào cũng có hai mặt, ra ngoài thì khác như mình.

    Họ cũng trọng hồng hơn chuyên, cũng thay đổi chủ trương, chương trình liền liền, thợ họ cũng không đủ ăn, công việc gì cũng không chạy; cán bộ của họ cũng sợ trách nhiệm như cán bộ mình; chính sách cải tạo còn tàn nhẫn hơn chính sách của mình; sự tổ chức bầu cử y như mình, v.v…

    Trung Hoa cũng có thời “trăm hoa đua nở” rồi mấy tháng sau hoa lại bị cấm nở; trăm hoa của mình cũng đua nở sau Trung Hoa ít tháng, và cũng bị cấm nở sau họ ít tháng. Năm 1966 mình khôn hơn Trung Hoa là không làm cách mạng văn hoá, nhưng năm 1978 mình cũng đã chuẩn bị kĩ để phát động một cuộc cách mạng văn hoá như họ, tính đốt hết các sách báo ở miền Nam… cách thức phụ cấp cho sinh viên, đối đãi với trí thức, chính sách học tập chính trị, hội họp ở phường, ấp, dăng, dán biểu ngữ ở khắp nơi, phát thanh bằng loa oang oang mà không ai buồn nghe…; cả lối giáo dục trẻ em, bổ túc văn hoá, công trình khai quật cồ tích chung quanh đền Hùng… mình đều theo sát gót Mao Trạch Đông.

    Tôi có cảm tưởng rằng mình chép đúng đường lối của hai nước đàn anh, không xét hoàn cảnh, dân tình, phong tục của mình có khác họ hay không. Tôi chưa thấy mình có một sáng kiến gì cả, ngay cả những danh từ như biên chế, phụ đạo, tham quan, tranh thủ… mình cũng chép nguyên của Trung Hoa.”

  3. Pingback: Lộc xuân cuộc đời | Tình yêu cuộc sống

  4. Pingback: Nguyễn Hiến Lê học và viết | Tình yêu cuộc sống

  5. Pingback: Nguyễn Hiến Lê sao sáng trời Nam | Tình yêu cuộc sống

  6. Pingback: Chào ngày mới 21 tháng 11 | Tình yêu cuộc sống

  7. Pingback: Chào ngày mới 22 tháng 11 | Tình yêu cuộc sống

  8. Pingback: Có lớp sinh viên như thế | Tình yêu cuộc sống

  9. Pingback: Chào ngày mới 23 tháng 11 | Tình yêu cuộc sống

  10. Pingback: Chào ngày mới 4 tháng 4 | Tình yêu cuộc sống

Bình luận về bài viết này